Bài đường về Nước Trời 3, mình đã chia sẻ cho các bạn về việc “xin Visa vào nước Trời” với lý giải rằng, khi con người sống trên dương thế này mà chuẩn bị cho mình có cuộc sống giống như các thánh và các Thiên thần hiện đang sống Thiên đàng, thì họ sẽ có đủ điều kiện để được cấp Visa vào nước Trời bất cứ lúc nào (khi Con Người đến). Nhưng theo một nghĩa nào đó, nếu chuẩn bị cho mình có một cuộc sống thánh thiện, tốt lành như các Thiên thần và các thánh trên Trời thì có vẻ quá khó đúng không các bạn? Như vậy, còn có con đường nào để về Nước Trời dễ hơn nữa không? Câu trả lời trong bài viết này là “Có,” các bạn. Có rất nhiều con đường khác nhau để về Nước Trời. Hôm nay mình trình bày một con đường ngắn nhất, nhanh nhất, và hiệu quả nhất để về nước Trời.
Các bạn biết con đường đó, con đường ngắn nhất để về Nước Trời là con đường nào không? Đó là con đường mà ngày hôm qua, Chúa Nhật, các bạn đi lễ mừng Chúa Kitô Vua, các bạn nghe bài Tin Mừng theo thánh Luca, 23: 35-43, nói về ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá, chung với 2 tên cướp (gian phi):
- 39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Ðấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Ðức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.” (Luke 23: 39-43)
Một trong hai tên cướp, vì sợ chết, vì quá gắn bó với cuộc sống trần thế này, vì của cải và tiền bạc cướp được của người khác làm anh ta lu mờ, không còn biết là có cuộc sống sau cái chết hay không. Đối với anh ta, cuộc sống ở đời này mới là tất cả. Do đó, anh ta cầu xin một cách ngạo mạn, cầu xin như thể ra lệnh, cầu xin mà lại còn mỉa mai, “Ông không phải là Ðấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Do đó, thái độ cầu xin của tên cướp này lại trở thành bản án để giết chính mình, vì không những anh ta không được cứu sống ở đời này, mà ngay cả đời sau cũng không. Bản chất xấu xa, ích kỷ (cướp bóc và ức hiếp người khác) và ngạo mạn, không chút lòng thương người của anh ta đã trở thành bản án tử hình của chính anh ta.
Lời cầu xin thất bại của anh ta cho mình thấy điều gì? Lời cầu xin của anh ta dường như không được Chúa Giêsu phản ứng gì hết. Về khía cạnh này, trong trường hợp mình cầu xin mà không thấy Chúa phản ứng gì hết, có vẻ Ngài không nhận lời mình cầu nguyện thì mình cũng nên suy xét lại thái độ cầu nguyện của chính mình, xem mình đã có thái độ như thế nào trong cầu nguyện? có giống như trường hợp của tên cướp này hay không?
Ngược lại với tên cướp này, tên kia lại có một thái độ hoàn toàn khác. Anh ta (tên cướp bên phải) nói rằng “…cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ sao?” Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. Trong câu nói này, mình tìm ra được 3 điều. (1) Điều thứ nhất là con người phải biết kính sợ Thiên Chúa, không được súc phạm đến Ngài, dù cho những người khác có nói xấu về Ngài, kết án Ngài, thì chúng ta cũng không nên hùa theo. (2) Điều thứ hai là mình phải biết nhìn nhận tội lỗi của mình, những điều sai trái mình làm thì đó là lỗi của mình, chứ không nên đổ thừa cho người khác. Phải biết nhìn thẳng vào con người yếu đuối và ích kỷ của mình, hay gây bất công cho người khác. Và điều thứ ba (3) là chấp nhận hình phạt do những lỗi lầm của mình đã gây ra.
Sau ba điều này, anh cướp này lại thốt lên một lời cầu nguyện cực kỳ khiêm tốn, “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Đây có thể được xem là một lời cầu nguyện tốt đẹp nhất trong các lời cầu nguyện của con người, của những người tội lỗi. Trong câu cầu nguyện này, mình thấy được điều gì? ý anh này là sao? ý của anh là, “Lạy Chúa Giêsu, con là một kẻ tội lỗi, con mới xứng đáng bị phạt như thế này, còn Ngài thì không. Sau khi chết, nếu con có ở trong lửa luyện tội hay trong hỏa ngục cũng xứng đáng vì đó là do tội lỗi của con. Nhưng dù con có bị luận phạt ở đâu, con không dám kêu xin Ngài đến cứu con. Con chỉ muốn một điều là ở trên Trời cao, xin Ngài hãy nhớ đến con, xin Ngài hãy nghĩ đến con. Chỉ cần một mình Ngài nhớ đến con trong nơi luyện hình thì con cũng mãn nguyện lắm rồi.” Đây quả là một lời cầu nguyện quá đẹp, đúng không các bạn? Một lời cầu nguyện thật khiêm tốn, và chỉ có lời cầu nguyện khiêm tốn mới có thể lay động lòng Thiên Chúa. Kết quả của lời cầu nguyện khiêm tốn này có thể di dời cả núi non. Do đó, anh ta đã được Thiên Chúa đáp trả, “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.”
Được lên Thiên Đàng thì không còn một phần thưởng nào tuyệt vời hơn. Tất cả những gì mình vất vả làm lụm, gom góp ở đời này chỉ là phù du vì mình không thể mang qua được thế giới bên kia. Nhưng khi chúng ta có được Thiên Đàng hay còn gọi là nước Trời thì chúng ta sẽ có tất cả và có mãi mãi. Không một ai hay một thế lực nào có thể lấy phần thưởng đó đi khỏi chúng ta được. Vì Thiêng Đàng chính là Thiên Chúa, là Tình yêu của chúng ta. Ngài là hạnh phúc muôn đời cho những ai yêu mến Ngài.
Từ đoạn Tin Mừng trên, mình sẽ rút ra một mô hình ngắn nhất, dễ nhất, nhanh nhất, và hiệu quả nhất để lấy “Visa về nước Trời”. Đây là mô hình về Trời của tên cướp bên phải Chúa.
Xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con, luôn biết nhận ra mình là tội nhân, hay gây thiệt hại và bất công cho người khác, xứng đáng nhận các hình phạt trong sự yêu thương của Chúa, và xin hãy ban ơn giúp chúng con luôn biết khiêm tốn chạy đến Ngài trong cầu nguyện, để Ngài luôn nhớ đến chúng con. Amen.