Từ quản lý trong bài viết này không nhất thiết phải là những người có chức có quyền, mà là tất cả những ai tham gia vào công việc gì đó với nhiệm vụ được giao để hoàn thành công việc họ làm. Ví dụ, một người công nhân khi được giao một công việc gì đó thì tất cả khối công việc mà họ thực hiện, các dụng cụ mà họ sử dụng, cách thức họ sắp xếp công việc để đạt hiệu quả tốt nhất thì đó cũng là một công việc quản lý. Như vậy, trong bài viết số 14 này, mình trình bày các cách thức chúng ta nhìn nhận và đánh giá một người quản lý trong công tác quản lý, sắp xếp công việc sao cho có hiệu quả nhất.
Việc thứ nhất chúng ta có thể đánh giá người quản lý là cách họ sắp xếp công việc hoặc giải quyết vấn đề. Mỗi người có một cách sắp xếp công việc khác nhau, không ai giống ai. Tuy nhiên, cách sắp xếp công việc sao cho hiệu quả nhất, nhanh nhất mới là người có tiềm năng quản lý tốt. Điều này nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng làm dễ. Có nhiều người rất lạ là sự việc rất đơn giản, nhưng khi họ đụng vào thì họ lại làm cho mọi chuyện rối tung cả lên. Có những người, tuy công việc đơn giản, nhưng họ lại quan trọng hóa vấn đề, làm cho mọi chuyện trở nên trầm trọng quá đáng. Có những người, công việc vốn dĩ đã phức tạp, khi đụng vào họ lại làm cho trở nên phức tạp hơn nữa… Tuy nhiên, có những người tuy sự việc xem có vẻ rất phức tạp, nhưng khi họ nhìn thấy, họ có thể sắp xếp và giải quyết công việc một cách trơn tru, nhẹ nhàng. Như vậy, người được kể cuối cùng sẽ là người có tiềm năng trở thành nhà quản lý hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo không nên bỏ qua những người như vậy, sẽ rất phí.
Việc thứ hai chúng ta có thể dùng để đánh giá người quản lý là xem cách nhận định vấn đề của người làm việc. Khả năng nhận định vấn đề (các nhà kinh tế gọi là khả năng đọc trận đấu) là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định sự thành công hay thất bại trong công tác quản lý. Khi có một sự kiện (event) diễn ra trong công việc, hoặc khi công ty gặp phải một vấn đề nan giải, hoặc có một vấn đề khó khăn cần gải quyết… Lúc này chính là lúc các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để đánh giá các người quản lý. Thứ nhất, có một số người còn non nớt về kiến thức thì sẽ đưa ra những nhận định không có “chiều sâu, chiều dài”. Những nhận định này có thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường vì họ không đủ tầm để “nhìn thấy cái hậu”.
Thứ hai, có những người lại đưa ra những nhận định rất lạ, lạ đến độ mọi người tự hỏi “không biết sao người đó lại có những suy nghĩ như vậy?” và bắt mọi người phải làm theo ý mình. Những người này là những người thuộc một trong hai trường hợp sau: (1) hoặc là họ rất giỏi, hoàn toàn khác với mọi người và nhận định của họ sẽ dẫn mọi người đi đến thành công, (2) hoặc là họ thuộc dạng “cùi bắp”, cách nhận định của họ sẽ đưa mọi người hành động một cách “cùi bắp”. Người mà có nhận định mang tính cùi bắp thì rất dễ nhận thấy, còn người mà giỏi thì thường đưa ra những nhận định chẳng ai có thể ngờ tới được. Thứ ba là có những người có đủ tầm hiểu biết, biết đắn đo suy tính cẩn trọng thì thường sẽ đưa ra được những nhận định phù hợp nhất, giúp giải quyết công việc được thuận lợi nhất. Như vậy, người có nhận định khác thường và người biết đắn đo suy nghĩ đưa ra những nhận định phù hợp là những người rất có tiềm năng quản lý hiệu quả.
Tóm lại, để đánh giá người quản lý trong việc thăng chức hoặc giao việc, chúng ta nên dựa vào ít nhất hai yếu tố nền tảng là “cách giải quyết vấn đề” và “cách nhận định vấn đề” của người đó để giao việc quan trọng. Hai yếu tố này sẽ giúp chúng ta an tâm hơn trong sự lựa chọn của mình vì giúp mình chọn người chính xác hơn. Như vậy, chúng ta có thể cảm thấy an tâm vì người chúng ta chọn sẽ có khả năng hoàn thành công việc tốt hơn. Làm được điều này trước khi giao việc cho ai đó, bạn sẽ có thể “Trust our choice”.
Các bạn tham khảo thêm các bài viết về Quản lý khác