Bài viết lần trước (Quản lý 5) mình viết gây tranh cãi rất nhiều, mỗi người một ý, hầu hết toàn là ý phản đối. Nhưng kết quả là chỉ sau bài viết đó chưa đầy 1 tháng (từ 22/3/2017 đến 15/4/2017), mình đã được nâng chức lên Giám Đốc Điều Hành, phụ trách thường trực và đồi ngoại, phụ trách luôn về mặt Đào tạo của Đại học Văn Hiến, nói một cách dễ hiểu là Phó Hiệu trưởng Thường trực. Một chức vụ rất to, đúng không các bạn? Điều này chứng minh rằng quan điểm của mình đang đi đúng hướng. Trong bài viết này mình chia sẻ với các bạn về môt khía cạnh mới của phương pháp quản lý hiệu quả liên quan đến Chiến lược xây dựng phát triển.
Khi nói về xây dựng chiến lược phát triển, thì chúng ta biết rằng tất cả không thể chỉ gói gọn trong một bài viết, mà là rất nhiều. Trong bài này mình chỉ nói về bước khởi đầu của người mới nhận nhiệm vụ quản lý.
Khi chúng ta được cấp trên tín nhiệm, nâng chúng ta lên làm quản lý, lo lắng công ăn việc làm của những người khác, tập trung xây dựng chiến lược cho sự phát triển của công ty hay tổ chức, chúng ta cần làm một bước khởi đầu quan trọng là “dọn sạch đống rác trước khi xây dựng”.
Có người sẽ đặt câu hỏi với mình: “Được giao chức lớn, tại sao việc lớn không làm mà lại đi dọn rác?” Câu hỏi nghe có vẻ hay, nhưng lại thể hiện sự không chững chạc trong cái nhìn chiến lược của sự phát triển.
Khi chúng ta được giao làm quản lý về một lãnh vực nào đó, chúng ta hãy xem việc đó bằng cách này. Việc này giống như cấp trên giao cho chúng ta một mảnh đất, rồi chỉ đạo cho chúng ta phải xây dựng một tòa nhà lớn, một biệt thự chẳng hạn. Như vậy, trước khi đào móng để đổ bê tông, chúng ta phải dọn dẹp sạch rác rưởi trong khu đất đó. Nếu không dọn sạch, rác rưởi còn tồn đọng trong khu đất đó thì sẽ ảnh hướng rất xấu đến tòa nhà sau này. Nó sẽ gây lún sập, làm nứt các bức tường của tòa nhà… và như vậy sẽ không còn cách nào cứu chữa nữa trừ phi phải phá đổ tòa nhà để xây dựng lại.
Nếu không loại trừ các thứ rác rưởi đó thì căn bệnh của tòa nhà cứ âm ỉ hoài. Thời gian bỏ ra để giải quyết các sự việc là hết sức lãng phí, và còn gây rất nhiều cản trở cho sự phát triển. Nhưng nếu phá đổ để xây dựng lại thì sẽ mất rất nhiều chi phí cho tổ chức. Đây là một trong những lý do hiện nay, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đang lên kế hoạch loại bỏ chế độ Biên chế đối với Cán bộ công chức, viên chức ở các trường Đại học và Phổ thông, mặc dù vấn đề này đang có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đối với mình, đây là hướng đi đúng đắn của Bộ GD & ĐT.
Do đó, nếu đã làm thì phải làm từ đầu, phải dọn dẹp sạch rác rưởi. Phải chắc chắn rằng không còn một điểm tiêu cực nào có thể tồn tại. Sau đó, chúng ta sẽ đào hố để xây dựng nền móng cho thật vững chắc trước khi xây dựng tòa nhà.
Nền móng vững chắc mà mình muốn nói ở đây là chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ tốt. Trong bài kế tiếp mình sẽ nói sâu hơn về 2 vấn đề này nhé.
Chúc các bạn có những quyết định sáng suốt trong công tác quản lý.
Các bạn tham khảo thêm các bài liên quan:
- Quản lý 1
- Quản lý 2
- Quản lý 3
- Quản lý 4 – Lựa chọn
- Quản lý 5 – Giữ chân nhân viên
- Lựa chọn 3