Những ngày này, tất cả học sinh vào sinh viên đều háo hức đến trường để chào đón năm học mới. Cảm giác này ai cũng có thời nếm thử hương vị của sự ngọt ngào trong đời mình. Tuy nhiên, vào đến năm học, thay vào việc thưởng thức những cảm giác vui tươi của viêc gặp gỡ giáo viên mới, gặp lại các bạn lớp cũ sau những ngày nghỉ,kể cho nhau nghe những niềm vui du lịch với gia đình trong những ngày hè, thì các em lại phải đối đầu với biết bao lo toan. Và một trong những điều lo lắng lớn nhất là việc “Học thêm.” Là một nhà Giáo dục học, tôi cứ phải suy nghĩ mãi câu hỏi này. Tại sao các em lại phải học thêm?
Có những bé chỉ mới 4, 5, hoặc 6 tuổi đã phải đi học thêm vào buổi tối. Tôi hỏi các bậc cha mẹ tại sao lại phải đưa con đi học thêm, thì nhận được câu trả lời: “Nếu không đi học thêm thì vào lớp chẳng hiểu gì và cũng chẳng theo kịp với bạn bè.” Câu trả lời này là câu trả lời thường gặp ở các bậc cha mẹ khi “bắt” con phải đi học thêm. Lạ nhỉ, các bé không biết mới cần vào lớp để học, và việc bố mẹ đưa con đi học là “để học” chứ đâu phải để “thi đua” với các bạn bè trong lớp? Vậy các thầy cô sẽ dậy gì trong lớp nếu cả lớp đã biết trước hết kiến thức ngày hôm đó rồi vì đã đi học thêm?
Con trai của tôi mới gần 5 tuổi, nay vào lớp Lá, trường Mầm Non SM. Mới ngày đầu đi học, cô giáo than phiền với tôi rằng, “con anh chẳng biết viết gì hết.” “Trời đất ơi!” (trong bụng tôi nghĩ), con trai tôi mới chưa đầy 5 tuổi (vì sinh cuối tháng 12 năm 2011), chưa tới tuổi phải học bài, và cũng chưa tới tuổi phải học viết, mà chỉ học nhận diện màu sắc học ký tự qua hình ảnh (Theo các nhà khoa học). Mà nếu cần dạy viết sớm để chuẩn bị vào lớp 1 (một năm sau), thì đây cũng là lúc bắt đầu học cầm viết, vẽ hình tròn, tô màu… và đây cũng là lý do ba mẹ cần đưa con đến trường để bắt đầu học. Nhưng tại sao các thầy cô lại cứ mạc định rằng, trước khi vào lớp, thì các bé phải biết trước hết rồi? Vậy nếu biết trước hết rồi thì và lớp học để làm gì?
Buổi chiều khi vào trường đón con về, tôi luôn nhận được một câu nói từ bé khi gặp ba, “con hổng [không] đi học nữa, con học đủ rồi.” Ý bé nói là không đi học thêm vào buổi tối nữa. Nghe câu nói của bé thật đau lòng. Rất đúng, cả ngày xa cha mẹ, chỉ mong tới giờ tan trường để về nhà với cha mẹ, lại phải cắp sách đi học thêm? Thế là tôi chỉ cho bé đi học thêm gần 1 tháng và cho nghỉ.
Theo các nhà khoa học, thời gian tập chung cho việc học của các bé rất ngắn. Mỗi độ tuổi có sự tập chung cho việc học khác nhau. Các bé sẽ học tập tốt hơn bằng các phương pháp nghe nhìn, chơi trò chơi, thảo luận và làm việc nhóm. Hiệu quả của việc học của các bé và các em học sinh không phải là biết được bao nhiêu mỗi ngày, nhưng là biết bằng cách nào. Trí khôn và trí nhớ của các bé và các em học sinh sẽ lớn lên theo độ tuổi. Nếu quý phụ huynh ép con em của mình vượt trước lứa tuổi của chúng, thì trí thông minh của các bé lớn lên sẽ bị cạn kiệt. Thông tin (kiến thức) sẽ vào đầu của các học sinh một cách tự nhiên chứ không phải ép buộc. Tám giờ ở trường mỗi ngày đã là một khoảng thời gian quá lớn đối với các học sinh, nên việc ép các em học thêm sẽ không những không có kế quả mà còn mang hậu quả tiêu cực đến việc phát triển trí nhớ của các em.
Nhìn đi cũng phải nhìn lại. Chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng cần thay đổi. Xét về chương trình đào tạo, cụ thể là sách giáo khoa. Chưa bao giờ tôi thấy một sách giáo khoa dạy học sinh lớp một lại “lạ” như thế. Sự sắp sếp các âm chữ cho các bé chưa có khoa học. Các chữ cái và các từ vựng kèm theo chẳng đi theo một nguyên tắc nào. Các từ vựng kèm theo chữ cái có vẻ như “có âm đó là được” mà không hề quan tâm tới việc giúp cho các em dễ học và dễ nhớ các chữ cái và từ vựng. Còn về chương trình thi Đại học thì quá khó. Có một lần gác thi Đại học, tôi có hỏi các giáo viên giảng dạy chương trình ở Trung học. “Nhìn vào đề này thì các em học sinh học hết lớp 12 mà không đi học thêm thì có giải được không?” Ai cũng trả lời rằng “không thể”. Như vậy, việc thi cử cũng là lý do khiến các em phải đi học thêm. Tại sao học một đàng, lại cho thi một nẻo? Tại sao đề thi vượt cấp lại toàn hỏi những chuyện “trên trời”?
Tại sao lại không đưa ra một công thức đơn giản nhất cho việc thi cử? Ví dụ, Đề thi sẽ có chung một công thức như sau. Để giải được đề thi này, một em có mức học lực trung bình sẽ làm được từ 5 – 6 điểm/10, các em khác có học lực khá hơn, sẽ làm được với số điểm là 6,5 – 7 điểm/10. Các em có hoc lực khá giỏi sẽ làm được 7,5 – 8,5 điểm/10. Những em có học lực xuất sắc sẽ giải đề với số điểm là 9 – 10 điểm/10. Còn các em nào có học lực yếu thì sẽ làm được bài thi ở mức dưới trung bình. Công thức này nên được tính cho việc học sinh học hết chương trình mà không cần học thêm. Như vậy, việc cấm học và dạy thêm có thể hợp lý hơn, dễ chấp nhận hơn.
Còn xét về phương pháp giảng dạy, trước tiên phải lập lại câu hỏi phía trên tôi đã đưa ra, “tại sao giáo viên cứ mạc định rằng vào lớp là học sinh phải biết trước rồi?” Nếu biết trước rồi thì còn cần gì phải đi học nữa? và nếu biết trước rồi thì vào lớp sẽ học gì? Nếu giáo viên xem việc đến lớp của các em là một quá trình học tập một kiến thức mới, và nếu các bạn cùng lớp đừng đi học thêm trước thì phương pháp giảng dạy của giáo viên sẽ khác, sẽ biết tìm cách giúp đỡ, giải thích, hoặc giúp các em học tập theo nhóm và thảo luận nhóm để giải quyết vấn đề. Các em sẽ học được kỹ năng và kiến thức của nhau, giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập. Và những kiến thức các em học được sẽ giúp các em nhớ rất lâu chứ không phải cách “học vẹt” như ngày này. Phương pháp này hiện đang được áp dụng rất thành công ở các trường Phổ thông và Trung học tại Hoa Kỳ.
Các bậc cha mẹ ai cũng muốn cho con em mình được học giỏi, vậy thì hãy chú ý đến việc tạo cho các em biết cách tự học. Học giỏi để đối phó (với lớp học) không phải là một chiến lược lâu dài để theo đuổi. Không nên tìm mọi cách để “đưa cho con mình con cá” mỗi ngày, mà hãy đưa cho “con mình một chiếc cần câu” (châm ngôn Trung Hoa) để các em tự biết cách hội nhập vào cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Chiếc cần câu tôi muốn ám chỉ ở đây là phương pháp học và cách thức học tập. Mỗi ngày, phụ huynh phải biết cách xây dựng thói quen tự học và làm bài tập ở nhà cho các em, ít nhất 2 giờ mỗi ngày. Các em phải ngồi vào bàn học, làm bài tập mới học ở trường, và đọc thêm các sách nâng cao. Phải tạo cho các em có cảm giác rằng, nếu một ngày không có giờ tự học, thì cảm thấy thiếu thiếu gì đó trong sinh hoạt của các em. Một trong những câu nói mà các em hay sử dụng để trốn việc tự học là “con đã làm bài tập xong hết rồi…” Vậy nếu làm hết rồi thì làm bài khác. những cuốn sách đọc thêm, giải bài tập nâng cao được bán rất nhiều trong các nhà sách ngày nay. Rèn luyện cho con em biết cách tự học là một việc đào tạo tốt nhất cho tương lai của các em. Các em biết cách chịu trách nhiệm với chính việc học của mình, với bản thân mình. Dù cho việc thi cử cứ mãi thay đổi, nay thi thế này, mai thi kiểu khác… thì các em vẫn tự ứng phó được vì kiến thức các em học được trong việc tự học là kiến thức nền tảng cho mọi kiến thức.
Ngoài những điều này, nếu cha mẹ muốn cho con cái đi học thêm thì hãy cho các em học một ngoại ngữ khác để sau này có thể hòa nhập với môi trường Quốc tế (ít nhất là khối ASEAN). Các Ngoại ngữ có thể chọn là Tiếng Anh, Tiếng Nhật, hay Tiếng Hàn. Việc học Ngoại ngữ không khó khăn như các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… Các bé có thể vừa học, vừa chơi, và ngôn ngữ sẽ đi vào một cách tự nhiên như tiếng Mẹ đẻ. Độ tuổi tốt nhất cho việc học Ngoại ngữ là… 0 tuổi. Tức là các bé có thể học Ngoại ngữ tốt nhất ngay từ trong bụng mẹ đến trước tuổi dậy thì. Học Ngoại ngữ qua việc xem các đoạn Video clips trên Youtube, chơi các games bằng tiếng Anh… (Tôi sẽ viết một bài riêng để chia sẻ về lĩnh vực Học Ngoại ngữ này). Biết được Ngoại ngữ là một lợi thế vượt bực cho các bé sau này.
Chúc các bậc cha mẹ có những hướng đi và những chọn lựa phù hợp để đóng góp vào việc giáo dục và đào tạo con em mình.
Các bạn tham khảo thêm các bài viết về Giáo dục con cái