Những người đã từng sống trong đời sống Dâng hiến, khi ra đời thường, hay được gọi là “Ta-ru”. “Ta-ru”, hay “Tu-ra” không phải là một từ được quý mến, nhưng là bị xem như môt sự thất bại, hay “gẫy gánh giữa đường”… Khi họ về nhà thì bị các thành viên trong gia đình tỏ vẻ thất vọng. Ra đường thì bị những người trong giáo xứ hay nhiều người Công giáo xem thường với nhiều hoài nghi. Do đó, rất nhiều người “Ta-ru” phải mất rất nhiều thời gian để hòa nhập với cuộc sống. Vậy, có phải mọi chuyện đang diễn ra là một sự bất công với những người Ta-ru? Mọi người có xét đến con đường thật mà Thiên Chúa đang dẫn dắt từng người trong chúng ta qua các biến cố trong cuộc sống?
Nhìn lại các biến cố trong cuộc đời của mỗi người, chúng ta sẽ nhận ra rằng dù có bất cứ chuyện gì xẩy ra, dù tốt hay xấu, đều không ra khỏi sự quan phòng và dìu dắt của Thiên Chúa thân yêu của chúng ta.
Trong cuộc sống này, tất cả chúng ta đều phải thực hiện rất nhiều sự lựa chọn. Có những sự lựa chọn dẫn đến thành công, có những sự lựa chọn dẫn đến đổ bể hoạc thất bại. Nhưng trong những sự lựa chọn dẫn đến thành công, có khi phải trả giá rất lớn, trong khi những sự lựa chọn có vẻ thất bại, gây thất vọng cho nhiều người, nhưng lại có hậu rất tốt. Ví dụ như nước Mỹ lựa chọn Donald Trump. Cho dù sự lựa chọn có khó khăn như thế nào, chúng ta cũng phải theo công thức như sau. “Trong hai cái tốt, chọn cái tốt hơn; trong hai cái xấu, hãy chọn cái ít xấu hơn” (?).
Quay lại với đề tài của bài viết này, việc người theo đuổi con đường sống đời Dâng hiến, nhưng sau một khoảng thời gian, lại chọn cho mình một “ngã rẽ khác”, tức là họ đã phải đặt mình trong những sự lựa chọn rất khó khăn, vì sự lựa chọn này sẽ thay đổi cả cuộc đời của họ. Và như vậy, có thể họ đã chọn “cái ít xấu hơn”. “Cái ít xấu hơn” ở đây không có nghĩa là con đường Dâng hiến là xấu, nhưng là con đường của cá nhân người đó sẽ ít xấu hơn nếu họ “rẽ” sang một con đường khác.
Tôi xin lấy một ví dụ này để câu chuyện được trở nên dễ hiểu hơn. Ai trong chúng ta, những người Công giáo, không thấy rằng “làm Linh mục là một Thiên Chức rất đẹp”? Như vậy làm Tới chức Giám mục sẽ còn đẹp hơn, đúng không? Giám mục là ai? Giám mục là những người “ngang hàng” với các Tông đồ thời Chúa Giêsu còn nơi trần thế. Như vậy nếu được trở thành các Tông đồ, các Giám mục thời Chúa Giêsu thì còn gì tuyệt bằng? còn gì cao đẹp hơn? Vì được sống cùng thời với Chúa, được chính mắt nhìn thấy Chúa, chính tai nghe những lời ngọt ngào của Chúa Giêsu giảng, và được Chúa Giêsu giải thích tường tận các dụ ngôn về Nước Trời sau khi rời khỏi đám đông. Nhưng làm Giám mục để làm gì, làm Tông đồ để làm gì khi trở thành Tông đồ “Giuđa”? Người sống với Chúa mà lòng không gần Chúa; nghe Chúa giảng nhưng tâm trí lại nghĩ đến tiền bạc.
Điều này có thể hiểu rằng nếu con đường làm Tông đồ không phù hợp với chính mình, thì hãy chọn cho mình một con đường khác. Trong Tin mừng theo thánh Luca (8: 26-39), có một anh, sau khi được Chúa Giêsu chữa lành khỏi Quỷ ám, muốn xin theo Ngài sống đời dâng hiến. Chúa Giêsu từ chối và bảo anh, “hãy về nhà và nói cho mọi người nghe về những việc Thiên Chúa đã làm cho anh.” Và anh đã về nhà và làm như vậy. Anh này, mặc dù không là tông đồ, nhưng lại là người đã làm theo lời Chúa, thi hành Lời Chúa. Và việc thi hành Lời Chúa thì còn gì tốt đẹp hơn?
Do đó, Thiên Chúa đã kêu gọi và dẫn dắt mỗi người theo cách thức của Ngài. Có người thì được chọn sống đời Dâng hiến, làm tu huynh hay nữ tu, có người được chọn làm Linh mục, Giám mục, có người làm giáo dân. Cuộc sống và lối đi của mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả đều được mời gọi là “hãy nói cho mọi người nghe về những việc Thiên Chúa đã làm cho mình” (Luke 8: 39).
Nếu chọn đời sống dâng hiến mà tâm hồn không gần Chúa, không tìm thấy Chúa trong cuộc sống của mình thì chẳng khác gì là Giuđa, người sống gần Ngài nhưng không có chung một nhịp tim? Do đó, tìm một con đường khác có thể là một lựa chọn đúng đắn, và biết đâu sẽ mang lại cuộc sống và lối đi tốt nhất cho mình.
Vấn đề cốt lõi của người Kitô hữu khi sống trên trần thế này là phải Tìm được Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Dù sống trong bậc sống nào, nếu không tìm được Chúa, thì dù mình có sống ngay trong nhà thờ cũng không thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài và hơi thở của Ngài. Trái lại, khi tìm được Chúa, thì dù có sống ở đâu, bậc sống nào, đi trên con đường nào, thì mình cũng có thể cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, sống gần Chúa. Trái tim mình và trái tim của Ngài sẽ trở nên cùng một nhịp đập, và mình sẽ nghe được tiếng Ngài trong từng phút giây của cuộc đời. Và có được Chúa, tức là có tất cả.
Xin Thiên Chúa cho chúng con cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong từng phút giây của cuộc đời chúng con. Amen.
(PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ, Tạp chí Đồng Hành, số 5, trang 21)