Con người ở mọi thời đại nói chung và người Kitô hữu nói riêng đang trên cuộc hành trình tiến về nước Trời. ‘Đích điểm’ của con người là nước Trời. Nhưng thật ra, chưa ai thực mắt nhìn thấy để miêu tả về nước Trời. Dần dần người ta cảm thấy khó, và rất ít nói về nước Trời. Thêm vào đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng lớn mạnh làm cho con người có một cảm giác ngờ vực về đời sau. Max có nói rằng, “Tôn giáo là thuốc phiện” làm cho con người bị mê hoặc. Dần dần, ý tưởng về nước Trời trở nên hão huyền và người ta xem đó như một ảo tưởng của những người bất lực. Nhưng nếu như vậy thì con người đã đánh mất ‘đích điểm’ của đời mình, giống như con thuyền không có bánh lái. Kết cục, cuộc đời của con người hoàn toàn vô ý nghĩa.
Như vậy làm thế nào để người ta thấy và cảm nghiệm rằng nước Trời là một hiện tượng có thật và gần gũi với tầm tay của con người, và đặc biệt ở ngay trong lòng con người chứ chẳng đâu xa, để tất cả những gì người ta đang làm và hy sinh đều mang một ý nghĩa cho đời này và mang lại niềm hạnh phúc cho đời sau. Hay nói đúng hơn, tất cả điều này là một cầu nối giữa đời này và đời sau.
Vấn để ở đây là ngôn ngữ của con người không thể diễn tả một cách rành mạch và rõ ràng về nước Trời. Đôi khi người ta đã giải thích một cách lệch lạc và biến nước Trời thành một nơi không mấy hấp dẫn và lôi cuốn. Ngoài ra, não trạng của con người ở mỗi thời đại luôn luôn thay đổi. Nếu chúng ta diễn tả về nước trời một cách chi ly, mang tính duy vật, thì chính tự chúng ta đã tạo ra một hình ảnh nước Trời khác, đầy những vẻ đẹp hào nhoáng của thế gian. Nếu vậy thì nước Trời của chúng ta sẽ bị sụp đổ dưới vẻ đẹp lạ thường của khoa học thời đại. Còn nếu chúng ta diễn tả nước Trời theo não trạng thời xưa là sự hoàn hảo của cái ‘Tĩnh’, thì con người ngày nay cho rằng đó là sự bất toàn, thụ động và đầy chán ngán. Vậy thì nước Trời cũng chẳng phải là nơi hấp dẫn.
Nếu chúng ta diễn tả hành trình tiến về nước Trời là một sự nỗ lực riêng tư của từng người, ‘hồn ai nấy giữ’ như những người Puritan thời xưa trong những ngày đầu xây dựng nước Mỹ, chẳng có sự đoàn kết gắn bó, thì cuộc hành trình này trở thành ích kỷ, và nơi có sự ích kỷ là nơi không phải là lý tưởng cho người ta dừng chân.
Ngoài ra, nếu chúng ta trình bày về nước Trời như một cuộc hành trình quá thiêng liêng: Trời chỉ là một phần thưởng, là nơi để bù đắp những cực khổ ở đời này, là để phục thù cho đời sau, là cớ để cho người ta né tránh những bổn phận ở đời này… thì người ta lại cho rằng đó là sự nhu nhược, yếu đuối, bất lực và còn là thứ thuốc phiện ru ngủ con người. Vậy thì, nước Trời là không có thật, chỉ là một ảo vọng, một viễn tưởng do con người tạo ra; và như vậy, người ta không muốn hy sinh để tìm kiếm nước trời.
Thực ra, điều quan trọng là chúng ta biết làm thế nào để trình bày về nước Trời hợp với não trạng của con người hôm nay. Mỗi người trong chúng ta, tuy chưa ai thấy rõ về nước Trời, “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu người” (1Cr 2/9). Do đó chúng ta không nên tả cảnh như chúng ta đã thấy ở thế gian.
Công Đồng Vatican II cho ta thấy rằng việc xây dựng nước Trời cũng chính là việc xây dựng trái đất này, vì việc xây dựng trái đất chính là chiếc cầu nối về Trời. Như vậy, tất cả những công việc chúng ta làm ở đời này là khởi điểm và là sự bắt đầu sống trong nước Trời. Nói đúng hơn, khi con người nhận Bí tích Rửa tội, họ đã thực sự bắt đầu sống trong nước Trời. Bổn phận của con người là xây dựng nước Trời, và cũng mang một ý nghĩa là xây dựng trái đất. Đời này và đời sau là một sự liên tục không ngừng, và tưởng chừng cả hai chỉ là một đời. Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có Nước Trời. Vậy nơi nào không có Thiên Chúa?
Thiên Chúa tuy là Đấng Siêu Việt, nhưng Ngài luôn hiện diện và can thiệp mọi việc trên mặt đất. Như vậy, trái đất vẫn là nước Trời vì luôn có sự hiện diện của Ngài. Do đó, nước Trời đã mang đến cho con người một ý nghĩa và một hướng đi mới. Từ nay, người Kitô hữu đích thực xả thân phục vụ trái đất một cách hữu hiệu hơn, vì nước Trời đang ở ngay giữa con người và bắt nguồn ngay trong tâm hồn mỗi người.
Nước Trời không phải chỉ ở tương lai sau cái chết, mà ở ngay trong hiện tại, từng phút từng giây của cuộc sống. Và cuối cùng, Trời là nơi mà con người có mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau mà không có giới hạn như trái đất. ‘Trời là một sự ngỡ ngàng’.
Nói tóm lại, chúng ta có thể ví nước Trời như một bữa tiệc cưới (Mt 22/2) nơi mà con người có thể gặp gỡ, trao đổi và yêu thương nhau, ngay cả những người chưa hề quen biết. Nước Trời là một giấc mơ của tình huynh đệ đại đồng, nơi mà tôi có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua cầu nguyện, gặp gỡ anh em, nơi mà tôi có thể tự do sáng tạo, tự do tô điểm và làm phát triển thêm vẻ đẹp tuyệt diệu của con người, nơi mà có niềm vui, có sự sống và có sự cảm thông giữa người với người. Và tất cả những điều này, tôi đang xây dựng trên trái đất, hay nói đúng hơn là tôi đang bắt đầu đi trên chiếc cầu nối giữa trái đất và nước Trời. Do đó, người Kitô Hữu phải sống để người ta nhận ra và thấy vẻ đẹp nhiệm màu của nước Trời đang hiện diện trên trái đất, để người ta thấy rằng, nước trời luôn là sự mới lạ, luôn hấp dẫn và cuốn hút con người vào một đời sống hiện tại bắt đầu cho tương lại.