Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, lâu lâu chúng ta bị cảm sốt, đôi khi chúng ta bị nóng lạnh trong người, có khi thì lại bị cấp trên la mắng, có lúc lại bị nhức đầu hay bị bệnh trong người… tất cả những điều này đều làm cho con người chúng ta cảm thấy như đau khổ, không vui, và nhiều lúc cảm thấy như thất vọng. Những điều này chắc chắc không ai trong chúng ta không gặp trong đời. Lẽ tự nhiên mà nói, tất cả những điều này đều là những đau khổ về thể xác hoặc tinh thần và hầu như trong tất cả chúng ta, chẳng có ai mong muốn đón nhận cả. Tuy nhiên, bài viết này muốn chia sẻ cho các bạn về giá trị và ý nghĩa cao đẹp của những đau khổ này giúp chúng ta được bước trên con đường tiến về nước Trời.
Trước hết tôi xin định nghĩa thế nào là đau khổ. Đau khổ là tất cả những gì xẩy ra ngoài ý muốn của mình, thậm chí có thể đi ngược lại với ý muốn của mình, khiến chúng ta cảm thấy không vui, hoặc đau buồn về tinh thần hoặc thể xác.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao đau khổ lại đến với mình?
Theo cái nhìn của Phật Giáo, “Đời là bể khổ”. Như vậy, ai sống trong đời này đều sống trong đau khổ, không còn gì phải thắc mắc, và chẳng chạy đâu cho thoát.
Đối với Đạo Công giáo thì không xem đời là bể khổ. Đau khổ là do tội lỗi của con người gây ra. Đạo Công giáo cũng không dạy chúng ta chạy trốn khỏi đau khổ. Chúa Giê-su dạy và làm gương cho chúng ta rằng muốn đến vinh quang thì phải đi qua đau khổ, và phải đón nhận đau khổ bằng cả tâm hồn và thể xác. Nói cách khác, chân lý của đạo công giáo xem “Đau khổ là Vinh quang”. Và Chúa Giê-su đã minh chứng rất tuyệt vời về điều nay với các chết của Ngài trên Thánh Giá.
Vậy làm thế nào để biến đau khổ có giá trị và ý nghĩa?
Con người đã phạm tội, súc phạm đến Thiên Chúa, nêu đau khổ đã đến với con người. Bản chất của đau khổ chỉ là hậu quả của tội lỗi mà con người gây ra. Tuy nhiên, vì quá yêu thương con người, Thiên Chúa đã sai con một của mình là Chúa Giê-su Ki-tô xuống trần gian để chịu đau khổ, để gánh lấy hậu quả của tội lỗi mà con người gây ra, và để cứu rỗi con người thoát khỏi cảnh đau khổ đời đời.
Điều này có nghĩa rằng khi Chúa Giê-su chịu đau khổ, Ngài dâng đau khổ của Ngài cho Chúa Cha để cứu rỗi tất cả chúng ta. Và sự đau khổ của Ngài đã mang một ý nghĩa vĩ đại vì Ngài chấp nhận đau khổ để đưa các người tội lỗi biết ăn ăn hoán cải quay về với Thiên Chúa.
Nhìn vào mẫu gương của Chúa Giê-su chúng ta cũng có thể học theo là biến các đau khổ hằng ngày của mình trở nên có giá trị và mang ý nghĩa to lớn góp phần vào việc dẫn đưa nhiều người tội lỗi biết ăn ăn hoán cải quay về với Thiên Chúa.
Như vậy, mỗi khi chúng ta bị cảm cúm, bị sốt nóng lạnh, hay bị thương trong thể xác, hoặc bị cấp trên la mắng trong công việc hằng ngày… chúng ta đều có thể dâng lên cho Chúa Giê-su, kết hợp với sự đau khổ của Ngài trong cuộc khổ nạn để dẫn đưa nhiều người tội lỗi biết ăn năn hoán cải quay về với Thiên Chúa, và đưa nhiều linh hồn nơi lửa luyện tội được về với Ngài.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng cho Ngài tất cả những đau khổ về thể xác hoặc/và tinh thần mà chúng con đã và đang gặp phải từ khi lọt lòng mẹ đến nay. Xin cho những đau khổ của chúng con được kết hợp với sự đau khổ của Chúa trong cuộc khổ nạn để tôn vinh danh thánh Chúa, và đưa nhiều người tội lỗi biết nhận ra các sai trái của mình để ăn năn hoán cải quay về cùng Thiên Chúa là Cha chúng con. Và xin Ngài cũng đưa các linh hồn nơi lửa luyện tội về trời hưởng Thánh Nhan Ngài. Amen.