Mỗi ngày trong cuộc sống, dù là người Công giáo hay không Công giáo, Chúa cũng nói với chúng ta rất nhiều điều. Có khi thì Ngài sử dụng ngôn ngữ trái tim; có khi Ngài dùng ngôn ngữ qua các sự kiện. Cũng có khi Ngài nói trong thâm tâm của chúng ta, qua lối suy nghĩ. Cũng có khi Ngài giao tiếp với chúng ta qua các sự kiện trong giấc mơ như trường hợp của thánh Guise trong thời Cựu Ước, hay Thánh Cả Guise, hoặc thánh Gioan Don Bosco và rất nhiều các vị Thánh khác… Đôi khi, Ngài còn giao tiếp với chúng ta qua sự thinh lặng của Ngài. Sống trong một thế giới đầy ồn ào, làm sao chúng ta có thể nhận ra và phân biệt được đâu là tiếng Chúa, đâu không phải là tiếng Chúa? Câu hỏi này không phải dễ trả lời. Người nhận ra được tiếng Chúa trong cuộc đời này phải có kinh nghiệm rất sâu về đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, trong bài viết này, mình muốn đưa ra 3 tiêu chí để xem bản thân của mỗi người chúng ta đang trong tình trạng nào khi nghe tiếng Chúa nói nhé.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này, Thánh Gioan (John 12: 20-33) có trình thuật lại một hiện tượng về tiếng Nói của Thiên Chúa như sau. Khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, “Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài” (John 12: 28-29).
Trong tình huống này, chúng ta phát hiện ra có 3 nhóm người nghe thấy tiếng từ Trời phán ra và 3 nhóm này đều nhận ra tiếng nói từ 3 nguồn khác nhau. Nhóm thứ nhất, khi nghe tiếng nói phát ra, thì họ không nhận ra được đó là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, nhưng họ chỉ nhận thấy đó là tiếng sấm. Nhóm thứ hai, tuy nghe cùng một âm thanh đó, thì lại nói rằng đó là tiếng nói của một Thiên thần. Còn nhóm thứ ba, tuy không đề cập một cách rõ ràng trong bài Tin mừng này, nhưng chúng ta có thể biết rằng đó là tác giả của bài Tin Mừng này, Thánh Gioan Tông đồ, đại diện cho 12 tông đồ. Họ nhận biết được đó chính là tiếng nói của Thiên Chúa Cha nói chuyện với Chúa Con. Vậy lý do tại sao, cùng một tiếng nói ấy, lại có ba nhóm người nhận biết từ các nguồn khác nhau?
Nhóm thứ nhất khi nghe tiếng Thiên Chúa lại cho rằng đó là tiếng sấm sét, không thể nhận ra tiếng Thiên Chúa. Họ là những người không đi cùng với Chúa Giêsu, không tin Lời Ngài, không biết hoán cải trong cuộc sống nên Tiếng của Thiên Chúa đối với họ thật là “chói tai”. Họ không thể nhận ra đó là tiếng Chúa mà chỉ là sấm sét. Cuộc sống hàng ngày của họ không phải là cuộc sống của nước Trời. Họ chỉ biết lao mình vào việc tìm kiếm tiền tài, hãm hại người khác để có chức có quyền. Họ chẳng biết về sự cần thiết của việc yêu thương và giúp đỡ người khác là gì. Việc tham gia vào các cuộc ăn chơi đối với họ còn vui hơn cả việc đến nhà Thờ tham dự thánh lễ và cầu nguyện. Họ chỉ biết ích kỷ và chỉ sống cho riêng mình. Đời sống của những người này đi hoàn toàn ngược lại với những giá trị của Lời Chúa; do đó, Lời Chúa nói với họ chỉ là tiếng sấm sét; có nói họ cũng không hiểu.
Nhóm thứ hai nghe tiếng Thiên Chúa nhưng vẫn không nhận ra, mà chỉ xem đó là tiếng nói của Thiên thần. Mặc dù nhóm thứ hai này không nhận ra cách chính xác đó là tiếng nói của Thiên Chúa, nhưng dù sao các Thiên thần cũng là các đấng sống gần bên Chúa, nên việc này vẫn đỡ hơn nhóm thứ nhất. Sự khác biệt giữa tiếng sấm và tiếng Thiên thần hoàn toàn khác nhau. Tiếng sấm là một tiếng khó nghe và gây cho người nghe sự sợ hãi và lo lắng; còn tiếng Thiên thần là tiếng của sự êm ái, nhẹ nhàng và dễ chấp nhận. Vậy nhóm thứ hai này ám chỉ cho những ai? Đó là những người theo Chúa Giêsu, nghe Lời Ngài giảng dạy, nhưng niềm tin của họ vào Ngài chưa đủ sâu sắc để có thể nhận ra tiếng đó chính là tiếng của Thiên Chúa Cha.
Như nói bên trên, nhóm thứ ba là nhóm các tông đồ, đại diện là tác giả bài Tin Mừng, những người nhận ra đó chính là tiếng nói của Thiên Chúa. Vậy trong điều kiện nào các tông đồ có thể nhận ra được tiếng Thiên Chúa một cách chính xác như vậy? Các tông đồ là những người theo sát Chúa Giêsu, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Cùng sống khó nghèo với Ngài, cùng làm việc với Ngài để phục vụ mọi người. Họ bỏ tất cả để theo Chúa, và họ đã hy sinh cuộc đời mình để loan báo Tin Mừng nước Trời cho mọi người. Cuộc sống của họ tương đồng với cuộc sống của Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu trở thành sức sống của họ mỗi ngày. Họ cầu nguyện hàng ngày và việc cầu nguyện của họ là sự giao tiếp với Thiên Chúa, nói chuyện với Thiên Chúa, nên họ đã quen với tiếng Ngài. Do đó, khi tiếng Thiên Chúa phát ra, họ liền nhận thấy rõ ràng đó chính là tiếng của Thiên Chúa chứ không phải tiếng của một ai khác, hay một thứ gì khác như hai nhóm kia.
Qua việc nhận biết tiếng phát ra từ trời của ba nhóm người này, mỗi người chúng ta có thể xem lại cuộc sống của chính mình, những thói quen hàng ngày của mình, những ưu tiên của các hoạt động của mình mỗi ngày, để xem mình đang thuộc một nhóm nào trong ba nhóm trên. “Của cải mình ở đâu thì lòng của mình cũng sẽ ở đó” (Lời Chúa). Mình sống như thế nào thì mình cũng sẽ được về nơi ấy sau khi lìa cõi trần. Trong cuộc sống ồn ào trên thế gian này có rất nhiều tiếng phát ra. Tuy nhiên, không phải tiếng nói nào cũng là tiếng của Thiên Chúa. Những tiếng nói hấp dẫn của sự hưởng thụ chắc chắn không phải là tiếng nói của Ngài. Xin Thiên Chúa giúp chúng con luôn biết yêu mến và tin yêu Lời Ngài để mỗi lần Chúa nói với chúng con, chúng con có thể biết phân định và nhận ra tiếng Ngài, giúp cho chúng con biết cách sống theo đường lối Ngài. Amen.
Các bạn tham khảo thêm các bài viết khác về Đường về nước Trời