Nước Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng, thường được chúng ta xem là ở trên bàu trời, hoặc mội nơi thật cao, xa xôi nào đó mà con người chỉ có thể đến được sau khi chúng ta xa lìa cõi đời này để đi vào một thế giới bên kia. Vì sao con người thường nghĩ như vậy? Có thể chúng ta sống trong thế giới vật chất, bị giới hạn bởi thời gian và không gian, nên chúng ta hay nghĩ rằng, Nước Trời phải ở một nơi nào đó, ở một vị trí nào đó… Quan điểm này đã được Chúa Giêsu nhắc nhở là Nước Trời không phải “ở đây” hay “ở kia”, mà là đang ở ngay giữa chúng ta (Lc 17: 20-21). Nói như vậy chúng ta cũng thấy khó hiểu, đúng không? Vậy làm sao để hiểu được hay cảm nhận được Nước Trời đang ở giữa chúng ta (Lc 17: 21), hoặc Nước Trời đang trong tầm tay của chúng ta (Mc 14: 15). Bài viết này sẽ cố gắng, giúp chúng ta hiểu được phần nào Nước Trời là gì và làm thế nào để có thể cảm nhận được Nước Trời đang ở gần chúng ta, đang trong tầm tay của chúng ta.
Nước Trời là một tình trạng chứ không phải là một nơi chốn. Nước Trời trong bài viết này được định nghĩa là tình trạng bình an, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui trong tâm hồn. Tuy ba đặc tính này không thể hiện hết được màu nhiệm nước Trời, nhưng được xem là 3 đặc tính cơ bản của Nước Trời mà mọi người có thể có được và cảm nhận được ngay ở đời này. Ba đặc tính này được hiểu là tình trạng của tâm hồn mà con người cảm nhận được chứ không phải là một nơi nào đó mà chỉ khi bước vào người ta mới có được. Vậy, nơi chốn và tình trạng khác nhau như thế nào? Nếu xem Nước Trời là nơi chốn (ở một nơi nào đó), thì khi bất cứ ai có mặt ở trong đó thì họ được xem là đang ở trong Nước Trời. Nếu hiểu như vậy về Nước Trời thì có đúng không? Dĩ nhiên là không đúng. Lấy ví dụ này nhé. Làm việc ở trong một nơi nào đó, đối với người này là một “Thiên đàng”, nhưng đối với người kia lại là mội “địa ngục”. Ví dụ, khi chúng ta làm việc ở công sở, hay công ty nào đó. Đối với một vài người, khi họ yêu thích công ty đó. Họ cảm thấy vui mỗi khi công ty đạt được doanh số tốt. Họ hạnh phúc với đồng lương mà họ được nhận hàng tháng. Họ cảm thấy vui vì mình được là một phần của công ty đó. Đối với những người này, được ở trong công ty là được ở trong “Thiên đàng”. Nhưng đối với một số người khác, có thể vì họ không thích cách quản lý của cấp trên, họ luôn cảm thấy họ bị đối xử không công bằng, họ không muốn cộng tác với ai trong công ty, họ không muốn đóng góp công sức của mình để phát triển công ty, họ phân bì về mức lương không xứng đáng với công họ bỏ ra, và họ cũng chẳng xem mình là một phần của công ty đó. Đối với những người này, cùng ở trong một công ty với những người kia, nhưng họ như đang ở trong “địa ngục” vậy.
Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy rằng chính Chúa Giêsu yêu quý của chúng ta là Nước Trời (Thiên đàng). Thứ nhất, Ngài luôn mang bình an đến cho chúng ta. Bất cứ nơi nào Chúa Giêsu đi qua, Ngài đều mang đến bình an cho nơi đó. Khi con người bị quỉ nhập, gây đau đớn và khổ đau cho con người, Ngài liền trục xuất quỉ ra khỏi người đó, mang bình an đến cho người đó, và cho cả gia đình của nạn nhân (Mc 5: 1-20). Những người đã từng đắm mình trong tội lỗi, cắn rứt lương tâm về những gì mình đã làm, Chúa Giêsu liền tha thứ, xoá sạch tội lỗi cho họ, khiến họ được thoát ra khỏi gông cuồng xiềng xích của tội lỗi, và trở nên bình an trong cuộc sống (Lc 5: 20). Ví dụ rõ nhất về việc được Chúa tha tội và trở nên bình an trong cuộc sống là trường hợp của chị Thánh Maria Madalena trong Tin Mừng Lc 7: 37-48. Sau khi được Chúa Giêsu tha thứ, chị đã sống rất bình an vì mình đã nhận thấy cuộc sống đầy tội lỗi trong quá khứ, tách lìa với quá khứ, và được bước vào một cuộc sống mới trong bình an. Ngoài những ví dụ vừa kế trên, chúng ta còn thấy rằng, sau khi từ cõi chết sống lại, mỗi lần hiện ra với các Tông đồ, Chúa Giêsu đều mang bình an đến cho họ, “Bình an ở cùng anh em.”
Thứ hai, Chính Chúa Giêsu là niềm hạnh phúc cho mọi người. Ví dụ thứ nhất về việc Chúa Giêsu mang hạnh phúc đến cho mọi người là khi còn sống trên dương thế, Chúa Giêsu đã từng đi tham dự một tiệc cưới ở Cana với các môn đệ và Mẹ của người (Ga 2, 1-12). Trong ngày hạnh phúc nhất của đôi bạn trẻ này, sự có mặt và chúc phúc của Chúa Giêsu đã làm cho niềm hạnh phúc của họ được tăng lên gấp bội. Đặc biệt, trong lúc cô dâu chú rể lo lắng vì đã hết rượu để tiếp đãi cho các quan khách, nếu không đủ rượu tiếp đãi thì ngày hạnh phúc của họ có thể trở thành ngày thất bại vì sẽ bị khách khứa trách mắng vì không biết chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày vui của mình. Chính Chúa Giêsu, theo lời đề nghị của đức Mẹ Maria, đã biến nước lã trở thành thứ rượu ngon hơn các loại rượu khác trước đó, giúp cho cô dâu và chú rể, kể cả các quý khách, những người tham dự ngày hôm đó trở nên hạnh phúc hơn trong ngày vui của mình. Ví dụ thứ hai về việc Chúa Giêsu mang hạnh phúc đến cho mọi người là việc Chúa đã chữa lành và làm cho những người mù được sáng mắt lại (Mc 10, 46-52; Ga 9, 1-41). Khi một người bị rơi vào cảnh mù loà, không nhìn thấy ánh sáng, không thể nhìn thấy những gì mình yêu thương nhất thì thật là một tình trạng vô cùng đau khổ. Thậm chí còn bị những người khác khinh chê, và mình cũng không thể biết được mặt mũi của họ là ai. Đúng là một cuộc sống trong cảnh tận cùng. Trong cảnh đau khổ tột cùng này, người mù đã thốt lên với Chúa Giêsu, “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 46-52). Sau khi được Chúa chữa lành cho anh được sáng mắt, anh ta đã được đích thân nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy những người mình yêu thương; và đặc biệt, anh ta còn được nhìn thấy chính Chúa Kitô, Người đã chữa lành cho mình, anh ta trở nên hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Thứ ba, chính Chúa Giêsu mang tràn đầy niềm vui cho con người. Tình trạng này được nhìn thấy rõ nhất là nơi Đức Mẹ Maria. Sau khi Mẹ Maria được sứ thần Gabriel truyền tin về việc Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa, nên Mẹ sẽ được chọn, thụ thai, và sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu (Lc 1: 26-38). Lòng Mẹ Maria trở nên ngập tràn niềm vui vì Mẹ đã mang chính Chúa Giêsu trong người mình. Niềm vui của Mẹ nhiều đến mức Mẹ không giữ cho một mình mình, nhưng Mẹ lại mang niềm vui ấy đến với bà Elizabeth. Nói một cách khác, khi có Chúa Giêsu, Mẹ Maria được tràn đầy niềm vui và Mẹ mang niềm vui ấy đến với người khác. Niềm vui của Mẹ không chỉ có với Mẹ trong những năm ấy, mà niềm vui của Mẹ còn tràn lan đến ngày nay cho Giáo Hội và cho loài người của chúng ta, vì Mẹ đã mang niềm vui Chúa Giêsu, Niềm vui cứu độ đến với nhân loại. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là niềm vui tràn đầy trong tâm hồn, và niềm vui này là niềm vui của Nước Trời.
Như trình bày phía trên, Nước Trời là một tình trạng của sự bình an, hạnh phúc, và tràn đầy niềm vui, và Chúa Giêsu chính là Nước Trời (Thiên đàng) vì Ngài luôn mang đến sự bình an, hạnh phúc và niềm vui cho con người. Vì thế, bất cứ những ai có được Chúa Giêsu trong lòng thì người ấy sẽ có Nước Trời.
Thực sự, Nước Trời luôn trong tầm tay của mỗi người (Mc 1: 15) nếu chúng ta biết cách chiếm được Chúa Giêsu vào lòng của mình. Để có được Chúa Giêsu trong lòng mình, chúng ta cần hiểu rằng Chúa Giêsu là Ngôi Lời. Ngài là Lời của Chúa Cha. Hay nói rõ hơn, Lời Chúa chính là Chúa Giêsu. Do đó, để có được Chúa Giêsu trong lòng mình, trước hết, chúng ta phải luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Ngài (Tin Mừng). Để làm được điều này, chúng ta học cách thức của Mẹ Maria là lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2: 19). Trong mọi giây phút của cuộc sống, nếu Chúng ta luôn nghĩ về Lời Chúa, nghĩ về Chúa thì chúng ta đang có được Ngài ngự trong lòng mình. Thứ hai, để giữ được Chúa trong lòng mình, chúng ta cần làm theo những gì Chúa dạy, những điều chúng ta ghi nhớ và suy niệm. Chúa Giêsu nói rằng, “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23). Thực hành Lời Chúa mỗi ngày sẽ giúp chúng ta trở nên anh em với Ngài và được Ngài đến và ở trong chúng ta (Ga 14, 21). Thứ ba, để có được Chúa trong lòng, chúng ta sẽ phải noi gương Ngài là yêu thương và phục vụ người khác. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 31-33a.34-35). Hành động yêu thương và phục vụ người khác luôn là hành động khác thường. Vì con người thường ích kỷ, chỉ biết lo cho chính mình. Nếu yêu thương và phục vụ người khác vì trong lòng có Chúa, không phải làm vì vụ lợi, thì đó chính là hành động của những người có Chúa, và có chính Chúa là có được nước Trời ngay trong lòng mình.
Tóm lại, Nước Trời không phải là nơi chốn, nhưng là một tình trạng, tình trạng của sự bình an, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui trong tâm hồn. Chính Chúa Giêsu mới chính là Nước Trời bởi vì trong cuộc đời của Ngài, Ngài luôn mang lại bình an cho những người Ngài gặp hoặc những ai tìm đến với Ngài. Gặp được Chúa Giêsu, người ta luôn cảm thấy hạnh phúc vì được cứu ra khỏi cảnh ngộ đau khổ của cuộc đời. Ngoài ra, đi đến đâu, Chúa Giêsu đều mang lại niềm vui cho những người Ngài tiếp súc, và niềm vui Ngài ban sẽ tràn đầy cõi lòng giúp người ta biết mang niềm vui ấy để chia sẻ với người khác. Vì vậy, bất cứ ai có được Chúa Giêsu trong lòng thì họ đã chiếm được Nưới Trời ngay ở trần thế này, và Nước Trời được xem như đang ở trong tầm tay của mỗi người. Nói cụ thể hơn, dấu tích mà giúp chúng ta thấy rằng mình đã có được Chúa chưa, thì chúng ta cần quan sát xem trong tâm hồn mình có được bình an hay chưa? trong tận đáy lòng của mình có cảm thấy ngọn lựa của niềm hạnh phúc vì có Chúa hay không? Trong trái tim của mình, mình có cảm thấy luôn có niềm vui hân hoan nào đó hay không? Nếu chưa có thì chúng ta hãy cố gắng xin Chúa giúp. Còn nếu có rồi thì chúng ta hay sống trong hạnh phúc vì Chúa đã ngự trị trong lòng mình.
Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì chúng con chưa thật sự biết tìm kiếm Chúa, mà chỉ đi tìm những điều chỉ mang lại sự chóng qua, không ý nghĩa. Xin Chúa tha thứ và chỉ dạy cho chúng con đường đi nước bước để chúng con có thể tìm được Chúa, tìm thấy Chúa và chiếm hữu Chúa trong lòng mình. Xin Chúa luôn ngự trị trong lòng chúng con, và chỉ dạy cho chúng con những gì Chúa muốn chúng con làm. Amen!