Sống trên đời này, dù có đức tin hay không, mỗi người cũng đều phải trải qua các cuộc cám dỗ. Có khi thì bị cám dỗ bởi sắc dục – tình ái, có khi thì bị cám dỗ bởi tiền bạc, cũng có khi bị cám dỗ bởi quyền lực, danh vọng… Chưa hết, đôi khi lại bị cám dỗ bởi việc ganh tỵ, hơn thua với người khác, cũng có lúc bị cám dỗ về việc xung khắc về tính cách, hoặc nhìn người khác không phù hợp với phong cách của mình, lại tỏ ra khó chịu với họ, có lúc lại bị cám dỗ bởi tính ích kỷ của chính mình… Nói chung là trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, ai cũng bị cám dỗ, và cám dỗ có vẻ như không trừ một ai, và chẳng ai có thể tránh được. Vậy câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu loại cám dỗ thường xẩy ra trong cuộc đời của mình? Bài viết này, dựa vào Tin Mừng Mt 4,1-11, tả về cảnh Chúa Giê-su bị cám dỗ trong sa mạc, và phân theo ba loại cám dỗ chính thường xẩy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta như sau.
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
Loại cám dỗ đầu tiên mà chúng ta thường gặp phải là mong muốn được thoả mãn ham muốn của bản thân. Như chúng ta thấy, khi Chúa Giê-su (CGS) cảm thấy mình đói, thì Ngài liền bị cám dỗ rằng, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!.” Loại cám dỗ này có 2 đặc điểm: (1) có vẻ hợp lý, (2) có thể làm được. Thứ nhất, loại các dỗ này nghe có vẻ khá hợp lý vì đói thì cần phải ăn, khát thì cần phải uống. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, vì nó (cám giỗ) muốn CGS làm ngược lại với qui luật tự nhiên để thoả mãn sự thèm muốn cho riêng bản thân mình. Suy ra từ khía cạnh thứ nhất này, chúng ta có thể thấy rằng mình cũng hay gặp phải cơn cám dỗ này. Ví dụ, khi người ta thèm muốn về tình dục, thì loại cám dỗ này liền xuất hiện và khiến chúng ta dễ bị sa ngã. Không sa ngã về hành động thì cũng dễ bị sa ngã trong tư tưởng. Do đó, tất cả những gì chúng ta muốn thoả mãn cho nhu cầu bản thân, như ham muốn vợ chồng người, hoặc tham của người…, thường bị rơi vào loại cám dỗ này. Ngay lúc đó, chúng ta hãy lập lại nhiều lần Lời CGS, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Thứ hai, ham muốn làm những gì mình có thể làm được (rồi chống đối lại cấp trên) thường cũng dễ bị rơi vào cám dỗ loại một này. Khi làm việc trong một tổ chức, thường là ‘9 người 10 ý’, mỗi người đều có những khả năng khác nhau. Người này giỏi về lãnh vực này, thì người kia lại giỏi về lãnh vực khác. Ai cũng muốn làm công việc theo đúng như ý muốn của mình, vì mình có thể làm người ta hiểu hơn, có thể làm tốt hơn, có thể sẽ hiệu quả hơn, hay to lớn hơn nữa là có thể sẽ mang lại ích lợi nhiều hơn cho tổ chức… Tuy nhiên, trong trường hợp bị người khác bác bỏ ý kiến của mình, hay bị cấp trên không đồng ý với ‘cách tính của mình’, thì mình lại tỏ ra thất vọng, bất mãn… và không chịu hợp tác nữa. Nếu chuyện này xẩy ra thì đúng là chúng ta đã bị rơi vào cơn cám dỗ loại này. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải nghĩ thế này, là làm được chưa chắc đã phù hợp, làm tốt hơn chưa chắc đã cần thiết, hay làm hiệu quả hơn chưa chắc đã là làm đúng lúc. Do đó, để vượt qua được cơn cám dỗ này, chúng ta cần học theo CGS là, “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ những Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Điều này có nghĩa là cuộc sống thường ngày của mình, không phải chỉ sống để thoả mãn những thèm muốn của bản thân mình; không nhất thiết phải làm được những gì mình có thể làm, mà còn phải sống với Lời của CGS nữa.
Loại cám dỗ thứ hai mà chúng ta thường gặp phải trong đời sống thường ngày là chúng ta hay muốn thử thách Thiên Chúa, thử xem Chúa có thật hay không. Loại cám dỗ này thường xẩy ra mỗi khi chúng ta cần đưa ra một quyết định gì đó. Chẳng hạn trong công việc làm ăn, khi chúng ta được đề nghị nâng lên một chức vụ nào đó, hay một hợp đồng béo bở nào đó. Tuy nhiên, trong chức vụ hay hợp đồng đó lại có điều làm ảnh hưởng đến chính đời sống đức tin của chúng ta, hoặc ảnh hưởng đến các sinh hoạt về tin ngưỡng của chúng ta đối với Thiên Chúa. Lúc này chúng ta phải đưa ra quyết định về sự lựa chọn của mình. Trong suy nghĩ của mình sẽ có những vấn đề trái ngược nhau. Nếu chúng ta cứ lựa chọn vị trí đó hay hợp đồng đó và cho rằng, chắc Chúa không để ý đâu, hay chắc Chúa sẽ thông cảm cho mình, hay chắc Chúa sẽ không buồn đâu… hay chắc Chúa sẽ chẳng quan tâm gì đến những việc mình sẽ làm đâu… Như vậy chúng ta đã tự đưa mình vào tình huống là “thử thách TC”. Ngoài ra, có những trường hợp, chỉ vì quá mong muốn được thành công trong việc kinh doanh, họ đã bị rơi vào cơn cám dỗ này qua việc thờ các thần tượng khác ngoài TC để có thể thành công trong kinh doanh, kiếm được thật nhiều tiền… Như vậy, họ đã thử thách TC của chúng ta. Còn ngược lại, nếu chúng ta luôn biết đặt Thiên Chúa vào vị trí hàng đầu trong tất cả các lựa chọn của mình, ngay cả trong công ăn việc làm, thì chắc chắn một điều là chúng ta sẽ chiến thắng được loại cám dỗ thứ 2 này là mình không nên thử thách Thiên Chúa.
Loại cám dỗ cuối cùng mà chúng ta thường gặp trong đời sống hằng ngày là loại cám dỗ về giàu sang vinh hoa, hoặc tiền bạc hay quyền lực. Về loại cám dỗ thứ 3 này thì ai cũng thường bị lôi cuốn. Là con người trong thời đại duy vậy chất, ai cũng thích được ở nhà cao, cửa rộng, hoặc nhà lầu xe hơi. Phần lớn ai cũng thích kiếm được nhiều tiền, và càng nhiều càng tốt, thậm chí còn không bao giờ biết điểm dừng là gì. Khi chúng ta bước vào những căn biệt thự xa hoa, tráng lệ… chúng ta thường bị cám dỗ rằng ước gì mình cũng đuợc như thế. Hay khi thấy ai chia sẻ hoặc nói về cách kiếm tiền nhiều, thì mình lại thấy trong người như bị một thôi thúc nào đó, để trở nên quyết tâm làm giàu. Cũng có khi chúng ta ngồi chung với một nhóm người giàu sang, khoe về khối tài sản của họ, thì chúng ta lại bị họ lôi cuối, tìm cách nào đó để được trở nên như họ v.v. Những khuynh hướng này đối với người đời thì chẳng có gì sai, thậm chí còn trở thành lý tưởng cho người khác vướn tới. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại. Ngài đến với thế gian để làm gương cho chúng ta về giá trị của tinh thần sống nghèo khó. Ngài chọn được gia nhập vào một gia đình nghèo nàn; Ngài chọn được sinh ra nơi chuồng bò. Ngài chọn sống một cuộc sống phải lao động bằng chân tay để nuôi sống bản thân. Khi đi rao giảng về nước Trời, Ngài không chọn cho mình một văn phòng để làm việc, nhưng là một cuộc sống không nơi nương tựa, “Con chồn có hang, con cáo có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9: 58). Ngài sống nghèo khó để làm gương cho chúng ta nhận thấy giá trị cao quý của tinh thần nghèo khó. Do đó, bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ về sự giàu sang, tiền bạc, thậm chí là quyền lực, thì chúng ta hãy học theo Ngài cách chiến thắng nó, bằng cách lập lại những lời CGS khi Ngài cũng bị những cám dỗ này, “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4: 10).
Kết luận, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, ai cũng phải trải qua rất nhiều cơn cám dỗ khác nhau. Nếu chúng ta chỉ giải quyết từng trường hợp một, thì chúng ta khó biết được cách thức chúng ta phải làm gì để vược qua các cơn cám dỗ một cách hiệu quả. Do đó, mỗi khi bị cám dỗ, dù cho đó là cơn cám dỗ gì đi nữa, thì nó cũng thuộc về một trong 3 loại cám dỗ như trình bày phía trên. Khi chúng ta phân định được cơn cám dỗ mà chúng ta đang gặp phải thuộc loại nào, thì chúng ta hãy sử dụng chính cách thức mà Chúa Giê-su thân yêu của chúng ta đã từng làm. Cụ thể, những cám dỗ thuộc về thoả mãn ham muốn bản thân, hoặc muốn được chứng minh bản thân mình, thì chúng ta hãy nói rằng, Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4: 4). Còn những cám dỗ đưa chúng ta vào những tình huống mà ảnh hưởng đến đời sống đức tin, nghĩ rằng TC không quan tâm đến những việc mình làm, hoặc cậy nhờ vào sự giúp đỡ từ những thế lực khác… thì hãy nhắc nhở chính mình rằng, “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:7). Hoặc trong trường hợp chúng ta bị cám dỗ về những sự giàu sang, tiền bạc, hay quyền lực, thì chúng ta thốt lên cầu này, “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4: 10).
Lạy Chúa, trong cuộc sống thường ngày của chúng con, chúng con không thể tránh khỏi những cơn cám dỗ để thoả mãn thân xác, hoặc những cám dỗ về đức tin, hoặc những cám dỗ về tiền bạc, giàu sang, hay quyền lực. Chúa đã từng chiến thắng tất cả những cơn cám dỗ này một cách anh hùng để làm gương cho chúng con noi theo. Tuy nhiên, Chúa cũng biết chúng con yếu đuối và dễ bị siêu lòng, thậm chí nhiều lần đã bị xa ngã. Chúng con thật lòng xin lỗi Chúa. Xin Chúa ban ơn và sức mạnh cho chúng con, giúp chúng con luôn biết tỉnh thức, phân định rõ các loại cám dỗ mà chúng con đang phải đối đầu. Và xin Chúa nhắc nhở chúng con cách mà Chúa đã từng chiến thắng, đễ giúp chúng con vượt qua tất cả các cơn cám dỗ để được bước vào vinh quang với Ngài. Amen!