Hai bài “Thành nhân trước khi thành danh” trong loạt bài về đề tài này đã được biên tập với tựa đề “Triết lý Giáo dục “thành nhân trước khi thành danh”, xuất bản trong kỷ yếu kỷ niệm 20 năm thành lập trường Đại học Văn Hiến (Trg. 101), và đăng trên website của trường. Đó thật là một niềm vui. Hôm nay mình lại chia sẻ với các bạn một khía cạnh khác về chương trình đào tạo của Đại học Văn hiến theo triết lý giáo dục này. Đó là đào tạo con người trở nên “có trách nhiệm”, trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với Xã hội.
Thứ nhất, việc đào tạo một con người “thành nhân” là phải nhắm đến việc đào tạo người đó biết có trách nhiệm, và trách nhiệm tiên quyết phải là trách nhiệm với chính bản thân của mình. Cụm từ “trách nhiệm” (responsibility) có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Chữ Responsibility (trách nhiệm) bắt nguồn từ tiếng Latin (responsus) có nghĩa là ‘đáp lại’, đáp ứng, ‘trả lời’ (vocabulary.com). Nói cách khác, người có trách nhiệm với chính bản thân mình là người biết đáp lại những mong muốn của gia đình, trường học, hay xã hội.
Cụ thể đối với sinh viên là việc học tập. Khi ba mẹ, gia đình làm ăn vất vả để kiếm đồng tiền cho mình đi học, với mong muốn rằng con cái họ được đào tạo ‘nên người’ (thành nhân), và có nghề nghiệp ổn định. Một trong những điều kiện cần thiết để nên người là phải có trách nhiệm đối với bản thân trong quá trình học tập. Mỗi sinh viên phải được đào tạo để nhận thức rằng việc học hành là trách nhiệm của mình đáp trả lại công ơn của cha mẹ, của gia đình. Mỗi ngày trôi qua mà không học được điều gì thì phải xem rằng mình đã có lỗi với chính bản thân mình, với gia đình của mình. Mỗi ngày vào lớp học cần phải biết tôn trọng người thầy/cô, những người mong muốn đào tạo cho tầng lớp sinh viên nên người/thành nhân. Do đó, việc học hành nghiêm túc, chuẩn bị bài đầy đủ trước khi vào lớp phải là những ưu tiên hàng đầu trong quá trình học tập. Làm được những điều này, sinh viên sẽ trở nên những người có trách nhiệm đối với bản thân khi đáp ứng lại với những mong muốn của các bậc cha mẹ, gia đình và thầy cô.
Trách nhiệm thứ hai trong triết lý giáo dục “thành nhân trước khi thành danh” là đào tạo nên những con người có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng nơi mình sinh sống. Mỗi người chúng ta là một phần trong xã hội này. Việc làm hay hành động của mỗi người chúng ta ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến xã hội nơi mình đang sinh sống bởi vì “không ai là một hòn đảo (Thomas Acquin)”.
Có nhiều người cho rằng sống trên đời này, tôi chỉ cần biết đến bản thân mình không cần ai hết bởi vì chẳng có ai chịu trách nhiệm đến bản thân tôi.
Quan điểm này hiện nay đang được rất nhiều người truyền miệng và ủng hộ, và nghe cũng có vẻ hợp lý. Vậy tôi xin đặt ngược lại một câu hỏi nhé. Nếu mình không có trách nhiệm với bất kỳ ai, và không ai có ảnh hưởng trên mình, vậy mình có dám bỏ ra sống một mình trên hòn đảo nào đó không? (giống như Robinson). Cứ ra đó đi rồi sẽ biết. Một ngày có thể không sao, hai ngày cũng không. Nhưng sau một tháng là có kết quả liền. Kết quả đó là “rất rất cần sự có mặt của người khác trên trần đời này; rất rất cần nhìn thấy ai đó dù rằng mình không quen biết, chỉ cần được nhìn thấy thôi.”
Như vậy, dù người khác không hề liên quan gì đến mình, không cần giúp đỡ cụ thể cho mình điều gì… thì họ cũng đang đóng một vai trò là, ít nhất, để làm cho mình bớt cô đơn. Điều này chúng ta có thể suy ra rằng, nếu bản thân chúng ta không có trách nhiệm nào đối với xã hội thì xã hội cũng đang có trách nhiệm cho sự hiện diện của chúng ta trên đời này rồi, nếu chưa kể đến các trách nhiệm khác mà xã hội/người khác mang đến cho mình và gia đình mình như việc làm, hàng hóa sử dụng hàng ngày, hay các dịch vụ công cộng… Khi người khác có trách nhiệm với sự tồn tại của mình thì chúng ta cũng cần phải có trách nhiệm đáp lại bằng cách này hay cách khác.
Theo một nghĩa nào đó, tất cả những gì chúng ta làm đều ít nhiều có ảnh hưởng đến người khác. Mỗi lời nói tích cực của chúng ta có thể gây động lực cho người khác; nụ cười của chúng ta có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người xung quanh. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là đáp ứng lại với các mong muốn của những người ở nơi chúng ta sinh sống.
Kết luận, là một sinh viên của trường Đại học Văn Hiến, chúng ta cần phải có trách nhiệm với lớp học, trách nhiệm với bạn bè. Làm bất cứ điều gì cũng làm hết mình, làm cho tốt thì đó là người biết gắn trách nhiệm của mình vào với trách nhiệm của cộng đồng, giúp mọi người xung quanh mình cùng phát triển. Chúng ta phải biết giúp nhau cùng tiến bộ trong quá trình học tập như việc học nhóm, thảo luận nhóm và làm các dự án (project) trong lớp học. Khi một sinh viên luôn có trách nhiệm với bản thân mình, biết lo cho tương lai của mình, tương lai của gia đình mình; nghĩ tới lợi ích của những người xung quanh để xây dựng một cộng đồng tốt hơn thì chắc chắn tương lai của người đó sẽ hoàn toàn thành đạt/thành danh. Làm được những điều này chúng ta xứng đáng là người “thành nhân trước khi thành danh”.
Các bài liên quan:
- Thành nhân trươc khi thành danh 1 – Thành nhân
- Thành nhân trước khi thành danh 2 – Thành danh
- Thành nhân trước khi thành danh 3 – Trách nhiệm
- Thành nhân trước khi thành danh 4 – Tự chủ