Làm quản lý thì hầu như ai cũng thích làm vì mình có được một chút quyền hành nào đó trong tay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm quản lý được. Một người có chuyên môn giỏi thì chưa chắc đã làm quản lý giỏi, nhưng một người mà chuyên môn không giỏi thì chắc chắn không làm quản lý giỏi. Chuyên môn ở đây có nghĩa là về một lãnh vực nào đó chứ không phải về mọi lãnh vực. Một người giỏi về một chuyên môn nào đó thì khi làm quản lý họ sẽ hiểu về cách điều hành một cách hợp lý hơn. Trong bài viết này, mình không đi sâu vào 1 chuyên môn nào, nhưng mình muốn chia sẻ với các bạn một khía cạnh khác, có liên quan đến việc giỏi về chuyên môn, để có thể tự chủ trong công việc quản lý của mình.
Khi được giao công việc quản lý, chúng ta phải biết chủ động trong công việc điều hành của mình. Khi sếp giao cho chúng ta công việc quản lý, có nghĩa là sếp đã tin tưởng chúng ta, trao một số quyền hạn để chúng ta thi hành công việc. Hãy tự tin mà làm chứ đừng việc gì cũng phải xin phép sếp. Những gì chúng ta thấy có thể quyết định trong khuôn khổ quyền hạn của mình thì phải tự chủ động mà làm. Nếu việc gì chúng ta cũng sợ, không giam quyết định vì sợ sếp không đồng ý thì công việc sẽ bị trì trệ. Nếu việc gì cũng phải xin phép sếp thì sếp cần chúng ta để làm gì?
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lộng quyền khi có được một chút quyền hành trong tay. Chúng ta phải biết phân định rạch ròi đâu là việc mình nên làm mà không cần xin phép, và đâu là việc mình không thể quyết định vì ngoài tầm cho phép của mình. Nếu mình quyết định những gì ngoài khuôn khổ cho phép thì chắc chắn sẽ không vừa lòng sếp vì việc đó mang tính rủi ro cao. Những việc này mình cần phải suy nghĩ đắn đo, phân tích vấn đề một cách chín chắn để giải thích và cung cấp đủ thông tin cho sếp biết, rồi sau đó xin ý kiến của sếp để thực hiện công việc.
Để nhận thức và phân định được ranh giới những gì thuộc quyền hạn của mình có thể tự quyết định, những gì ngoài thẩm quyền không phải là dễ. Điều này đòi hỏi người quản lý phải giỏi về một chuyên môn nào đó mà mình đang đảm trách. Vì rành về chuyên môn sẽ giúp người quản lý có những nhân định phù hợp để đưa ra các quyết định trong công việc.
Mình phải là người “nghe một hiểu mười”. Sếp đưa ra chủ trương thì mình phải tìm cách thực hiện và phải thực hiện cho thật tốt. Không ai muốn giao công việc quản lý cho một người mà không có đủ độ tin cậy, làm gì cũng bất cẩn, giao việc làm chẳng bao giờ hoàn thành đúng thời hạn. Khi kết quả công việc không tốt thì không tự nhận lỗi mà luôn tìm mọi lý do để biện minh, bào chữa cho mình và đổ mọi lỗi do người khác, thậm chí còn đổ lỗi cho cả sếp. Những người này không đáng được tin cậy để giao cho bất cứ một công việc gì. Công việc, có thể, phù hợp nhất đối với họ là “self-employed”, có nghĩa là tự mình kinh doanh, tự mình tạo công việc cho chính mình chứ không nên đi làm công vì họ sẽ gây thêm khó khăn cho người khác.
Nói tóm lại, khi được giao một công việc nào đó chúng ta phải thật chủ động trong công việc. Nhận định rõ từng việc nào co thể đưa ra quyết định trong thẩm quyền của mình, và việc nào cần phải hỏi ý kiếm cấp trên. Đừng để việc gì cũng phải hỏi làm cho sếp phải khó chịu. Nếu mình làm công việc quản lý nhỏ mà mình làm tốt thì tiềm năng sẽ được sếp giao cho công việc quản lý lớn hơn. Và ngược lại, nếu việc nhỏ mà làm không xong, suốt ngày chỉ biết tìm lý do biện bạch thì làm việc gì cũng chẳng được. Và chẳng có sếp nào muốn giao việc cho những người như vậy vì họ không có đủ độ tin cậy để giao việc.