Trong công việc thường ngày của chúng ta, ai cũng muốn là người được gần gũi với sếp (cấp trên), được sếp ưu ái, được sếp kéo đi chung, tách biệt khỏi nhóm nhân viện còn lại, được trở nên người được ưu ái đặc biệt. Điều này cũng là chuyện thường tình. Mặc dù câu chuyện giữa Chúa Giêsu và ba môn đệ thân cận như Ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan có vẻ cho chúng ta thấy rằng điều tương tự như các mối quan hệ bình thường giữa cấp trên và một số nhỏ người cấp dưới cũng xẩy ra theo cách thức này. Nếu chúng ta nhìn như vậy thì chúng ta chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu ở cấp độ nhân tính. Thế còn cấp độ thần tính của Ngài thì sao? Không lẽ Chúa Giêsu cũng chỉ đối xử với các môn đệ như những cấp trên binh thường khác sao? Bài viết này sẽ cho các bạn thấy mọi sự không phải như vậy. Chúa Giêsu luôn yêu tất cả mọi người như nhau, và Ngài không thiên vị bất cứ một ai. Ai cũng được mời gọi đi gần với Ngài.
Trong Tin Mừng theo Thánh Marcô có đoạn:
32 Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”. 33 Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.34 Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. 35 Người đi xa hơn một chút, quỳ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. (Mk: 14: 32-35)
(Mark, 2022) (Matthew, 2018).
Dựa vào đoạn trên, chúng ta đặt ra câu hỏi là tại sao Chúa Giêsu có tới 12 môn đệ (lúc này chỉ còn 11), mà Ngài chỉ gọi có 3 người đi theo Ngài đến gần nơi Ngài cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmani (vườn cây dầu O-liu), mà Ngài không gọi tất cả đi cùng Ngài?
- Có phải Chúa Giêsu thiên vị 3 người này hơn các người khác?
- Không phải, Chúa luôn đối xử với mọi người như nhau, Ngài không thiên vị một ai.
- Có phải Chúa Giêsu thích ai, hợp với ai là chuyện riêng của Ngài?
- Không phải, Chúa Giêsu xuống thế để thi hành Thánh ý của Chúa Cha, Ngài không làm theo ý mình.
- Có phải Chúa Giêsu yêu 3 môn đệ này hơn các môn đệ khác?
- Cũng không phải, Chúa luôn yêu thương từng người một, và tình yêu ngang đều như nhau, vì Ngài là Thiên Chúa.
Vậy thì tại sao Chúa lại chỉ cho 3 môn đệ là Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi cùng với Ngài; trước là trên núi biến hình, nay là vào vườn cây dầu, mà không phải tất cả cùng đi với Ngài?
Sự thật thì Chúa Giêsu luôn thương yêu tất cả như nhau. Ngài yêu mỗi một môn đệ và mỗi người chúng ta cùng một tình yêu bao la ấy. Ngài luôn mời gọi và tạo cơ hội cho tất cả các môn đệ và mỗi người chúng ta đi cùng với Ngài, và đi riêng với Ngài để tách khỏi những người còn lại, giống như trường hợp của Phêrô, Giacôbê, và Gioan được đi riêng với Ngài.
Vậy câu hỏi đặt ra là trong trường hợp như trên thì sao? Tại sao chỉ có 3 người đi riêng với Ngài mà không phải tất cả 11 môn đệ?
Như chúng ta thấy, được đi theo gần Chúa Giêsu không phải là được vinh quang nơi trần thế, được có chức, có quyền, mà là đi gần với Chúa Giêsu đến cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu mời gọi tất cả các môn đệ và cả chúng ta đi gần với Ngài. Ai cũng có cơ hội ngang nhau để được trở thành một trong 3 môn đệ đi gần với Ngài, đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.
Vậy tại sao chỉ có 3 môn đệ được đi gần với Ngài?
Vì cả 3 môn đệ này đều cựu kỳ yêu Chúa Giêsu, người thầy của mình. Gioan rất yêu mến Chúa Giêsu. Ông là một trong những môn đệ theo Chúa đầu tiên, và ông đi với Chúa cho đến bước chân cuối cùng của Chúa Giêsu nơi trần thế, là trên thập giá. Bất cứ ai khác có thể bỏ trốn, bỏ lại Chúa Giêsu bị cô độc trong cuộc khổ nạn, nhưng Gioan thì không. Gioan đi theo từng bước chân của thầy mình là Chúa Giêsu, từ vườn cây dầu đến quan toà Philato, đến vua Hêrôđê, và đến núi sọ… Đây là sự gắn bó của tình yêu. Phêrô cũng vậy, ông yêu Chúa Giêsu là thầy mình hơn bất cứ ai khác. Ông cũng cùng Gioan theo chân Chúa đến nơi cuối cùng. Ông khóc lóc thảm thiết khi nhận ra mình đã chối thầy mình trước mặt con người. Hay trong các trường hợp Chúa Giêsu hỏi các môn đệ câu gì, thì ông luôn là người trả lời trước tiên, “Thưa thầy, thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống.” Trường hợp của Giacôbê cũng vậy, ông yêu Chúa không kém. Ông là Tông đồ khao khát được tử đạo, chết để làm chứng cho Chúa Giêsu, thầy của mình. Và ông cũng là một trong các tông đồ đầu tiên theo Chúa.
Vậy vì các ông yêu mến Chúa thật nhiều, các ông được Chúa Giêsu mời gọi đi gần Ngài. Trong vường cây dầu, sự đau khổ của Chúa Giêsu là vô cùng tận. Có thể xem đây là cơn hấp hối khủng khiếp của Ngài. Ngài đau buồn cho đến độ bị chảy cả những giọt mồ hôi máu (Luke 22: 44) (Luke, 2022). Khi chứng kiến tình trạng này của Chúa Giêsu, nếu những ai không yêu Ngài đủ, thì họ sẽ mất đức tin, và rời bỏ Ngài hết. Và nếu vậy thì điều xẩy ra sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Chỉ có những người yêu mến Ngài đủ mới có thể cảm thông và chịu đau khổ cùng với Ngài. Và vì như vậy, chỉ có những người yêu mến Chúa, họ mới có thể được mời gọi sống gần Ngài, đi riêng với Ngài. Đây là lý do mà Chúa Giêsu chỉ đưa 3 môn đệ đi gần bên Ngài, vì chỉ yêu Ngài nhiều họ mới chịu đựng và chia sẻ được những đau khổ của Ngài. Nói cách khác, càng yêu Chúa Giêsu, chúng ta càng được đến gần bên Ngài.
Càng theo gần Chúa Giêsu, chúng ta càng phải chịu đau khổ. Trong trường hợp của 3 thánh tông đồ, vì yêu mến Chúa nhiều, họ được mời gọi sống và đi gần Chúa. Và vì sống gần Chúa, họ phải chứng kiến rất nhiều nỗi đau mà Chúa phải chịu đựng. Khi nhìn thấy Chúa bị sỉ nhục, bị hành hạ, nỗi đau của họ lại càng gia tăng vì chẳng ai có thể cầm lòng được khi nhìn thấy người mình yêu bị hành hạ. Những đau khổ mà họ chịu đựng cùng với Chúa cũng là khởi đầu cho các đau khổ trong cuộc sống truyền giáo sau này của họ. Đau khổ mà họ phải chịu đựng sau này là rất lớn.
Tuy nhiên, nếu sống gần Chúa mà chỉ bị đau khổ thì chắc ít ai lại mong muốn cho mình điều đó. Thực ra, càng gánh chịu những đau khổ cùng Chúa Giêsu, thì chúng ta càng được trở nên vinh quang với Ngài. Thực ra, dưới cái nhìn của con người, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một nỗi sỉ nhục, là một sự thất bại, nhưng đối với Thiên Chúa lại là một vinh quang. Từng lời sỉ nhục của những người Do Thái, từng roi đòn của quan lính Philato, từng dấu đinh đóng vào chân tay Chúa đều là những vinh quang tột bậc của Thiên Chúa. “Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một Danh hiệu, vượt trên mọi danh hiệu.” (Phaolo, 2022). Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, khi chúng ta chịu đau khổ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được tôn vinh cùng Ngài nơi quê Trời.
Từ việc trên, chúng ta có thể rút ra bài học cho mình rằng, càng yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta càng được sống gần Chúa; càng sống gần Chúa, chúng ta càng phải chịu đau khổ. Càng chịu đau khổ, chúng ta sẽ càng được vinh quang với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có được tình yêu của chính Ngài, để chúng con có thể yêu mến Chúa và yêu mến anh em chúng con như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh để có thể theo sát Ngài, cùng chịu đau khổ với Ngài, và được vinh quang cùng Ngài trên nước Trời. Amen.
Bibliography
Luke. (2022). The Agony in the Garden. Retrieved April 2022, from United States Conference of Catholic Bishop: https://bible.usccb.org/bible/luke/22?14
Mark. (2022). Mac 14: 1-15:47. Retrieved April 2022, from Tân Ước Online: http://www.donghanh.org/cgi-bin/suyniem/tuol?font=unicode&query=Mk+14:1-15:47&banner=n
Matthew. (2018). Mt 26,14-27,66: Cuộc Khổ Nạn Của Đức Giêsu. Retrieved April 2022, from Trung Tâm Học Vấn Đa Minh: https://catechesis.net/mt-2614-2766-cuoc-kho-nan-cua-duc-giesu/
Phaolo. (2022). Đức Ki-tô đã tự khiêm tự hạ, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Retrieved April 2022, from Vatican News: https://www.vaticannews.va/vi/loi-chua-hang-ngay/2022/04/10.html