Trong đoạn clip chia sẻ Đường về nước Trời 13, mình có nói về vấn đề làm việc trong cầu nguyện. Có rất nhiều cách thức cầu nguyện khác nhau. Có người thì cầu nguyện bằng cách đọc kinh, lần hạt; có người cầu nguyện bằng việc “cần xin”. Cũng có người cầu nguyện bằng cách suy niệm như trong trường hợp của các thánh trong Giáo hội và các tu sĩ. Như vậy, phương pháp cầu nguyện nào là tốt nhất cho các giáo dân đây? Ngoài cầu nguyện theo kinh Lạy Cha như Chúa Giêsu (CGS) đã dạy chúng ta khi còn ở dương thế, bài viết này muốn trình bày mô hình cầu nguyện rất hiệu quả của chính Chúa Giêsu khi Ngài gặp khó khăn trong vườn Ghếtsêmani: “Abba, Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con! Nhưng không theo ý con muốn, một theo ý Cha” (Mc: 14). Đây là công thức cầu nguyện tuyệt với nhất bởi vì CGS sử dụng để cầu nguyện trong lúc Ngài gặp khốn khó nhất của cuộc đời.
Chúng ta có thể phân tích Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu theo 3 giai đoạn như sau. Thứ nhất là phải bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, “Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự.” Thứ hai, trình bày với Thiên Chúa các mong muốn, các nhu cầu của riêng bản thân mình, “xin cất chén này khỏi con”, và thứ ba là phải vâng theo Ý Chúa, chứ không buộc Ngài phải làm theo ý mình, “nhưng không theo ý con, một theo ý Cha.” (Mc: 14).
Với mô hình cầu nguyện này, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, trước tiên, phải biết bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa khi cầu nguyện. Tin tưởng vào Thiên Chúa là một điều kiện tiên quyết trong lời cầu nguyện. Thiên Chúa là chủ muôn loài và là Đấng tạo dựng Trời đất. Do đó, không có gì mà Ngài không làm được. Bất cứ những gì chúng ta khẩn cầu lên Ngài đều được Ngài nghe thấy và quan tâm. Thiên Chúa có thể biến những sự việc không thể thành có thể. Ví dụ, Cha xứ cũ của mình ở nhà Thờ Thái Hiệp. Ngài không có nhiều tiền nhưng ngài muốn sửa chữa lại nhà thờ, làm cho nhà thờ rộng hơn để có thể phù hợp cho khối lượng giáo dân ngày càng nhiều trong Giáo xứ. Tưởng chừng không có số tiền lớn thì không thể làm gì được. Thế rồi ngài cầu nguyện, ngài tin vào Thiên Chúa và bắt đầu tiến hành sửa chữa nhà Chúa. Chỉ trong vòng 1, 2 năm, ngài đã biến nhà thờ cũ, chật trội thành một ngôi Thánh Đường gần như hoàn toàn mới và rất rộng rãi khi khởi đầu bằng số tiền rất nhỏ. Chưa hết, chỉ sau đó một thời gian ngắn, Giáo phận lại luân chuyển ngài đến một giáo xứ hoàn toàn mới, chỉ có nhà nguyện nhỏ nhưng giáo dân còn đông hơn cả giáo xứ cũ (Giáo xứ Thái An). Ngài lại tiếp tục công việc xây dựng nhà thờ mới trong điều kiện còn nợ tiền với việc xây dựng nhà thờ cũ. Tồi tệ hơn nữa là các mạnh thường quân cũ, trước đây đã tài trợ cho ngài xây nhà thờ trước đều rời xa ngài. Họ không cung cấp bất cứ một đồng bạc nào cho ngài xây nhà thờ mới nữa. Quy mô xây dựng nhà thờ hiện nay của ngài (GX Thái An) còn lớn hơn cả nhà thờ trước và số tiền ngài cần xây dựng là rất khổng lồ. Công việc tưởng chừng không thể thực hiện được, nhưng cho đến nay, nhà thờ của ngài (GX Thái An) đã gần như hoàn thành. Khi mình nói chuyện với ngài, ngài nói rằng, tất cả là do Chúa làm. Và để kết luận cho phần này trong mô hình cầu nguyện của CGS là “đối với Thiên Chúa, không gì là không thể.” Do đó, chúng ta hãy tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa trong cầu nguyện.
Gian đoạn thứ hai trong mô hình cầu nguyện của CGS mà chúng ta học hỏi nơi Ngài là “trình bày với Thiên Chúa tất cả các nhu cầu mà chúng ta cần Ngài giúp”. CGS đã từng mang bản tính của con người nên Ngài cũng rất con người trong cầu nguyện. Ngài nhận thấy cuộc khổ nạn mà Ngài chuẩn bị bước vào là quá sức chịu đựng đối với Ngài. Do đó, CGS đã trình bày với Thiên Chúa Cha về tình trạng yếu đuối của Ngài và xin Chúa Cha “cất chén này khỏi con”. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi những sầu khổ, những chuyện buồn bực, những khó khăn ngoài mong muốn xẩy đến với chúng ta mà dường như không thể tránh khỏi. Vậy hãy bắt trước CGS, chúng ta dâng hết lên cho Thiên Chúa Cha tất cả những gì chúng ta gặp phải, dù vui hay buồn, dù tốt hay không tốt, đôi khi có chút ích kỷ theo bản năng của con người chúng ta, để xin Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta, giúp chúng ta bao nhiêu có thể. Từ chuyện xấu Ngài có thể làm nên chuyện tốt. Từ chuyện tốt Ngài sẽ làm cho tốt hơn, hay từ niềm vui trở thành niềm hạnh phúc trong Thánh Ý của Ngài. Để tất cả những gì xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta cũng đều nằm trong sự quan phòng của Ngài, là Thiên Chúa của Vũ trụ. Hãy cứ mạnh dạng trình bày và tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài trong cầu nguyện.
Giai đoạn thứ ba trong mô hình cầu nguyện của CGS là hãy vâng theo Thánh Ý của Ngài, “nhưng không theo ý con, một theo Ý Cha.” Điều này cực kỳ quan trọng, chứng tỏ lòng trung thành cũng như niềm tin tưởng phó thác của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha toàn năng của chúng ta. Giai đoạn này là giai đoạn đỉnh điểm của cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là lúc nào cũng bắt Ý Chúa chiều theo ý mình. Hãy nhìn vào con cái của mình. Có rất nhiều điều con cái của chúng ta xin chúng ta nhưng không phải thứ gì chúng ta cũng cho. Những thứ chúng ta cho con cái của chúng ta là vì những điều đó rất tốt cho cuộc sống của chúng. Còn những gì chúng ta không cho là bởi vì không có gì tốt đẹp cho tương lai của chúng. Trong thực tại, có rất nhiều bậc cha mẹ giàu có, con cái xin gì cũng cho. Kết quả là những điều đó đã tạo nên tính ích kỷ, lòng tự đại, và ỉ lại, khiến cho con cái của họ ngày càng hư đi mà không thể nào uốn nắn lại được. Thiên Chúa tốt lành của chúng ta cũng vậy, Ngài luôn nhìn vào tương lai tốt lành của chúng ta phía trước. Ngài biết điều gì tốt, không tốt cho chúng ta, cho tương lai của chúng ta sau cái chết. Ngoài ra, Ngài luôn có kế hoạch của Ngài trên mỗi người chúng ta. Trong trường hợp CGS con một của Ngài, Ngài không nhận lời Người, cất chén đắng khỏi CGS bởi vì cuộc khổ nạn của CGS mang lại lợi ích nhiều hơn rất nhiều so với việc nhân lời cất chén đắng. Do đó, Thiên Chúa không nhận lời nguyện của CGS, chỉ giữ im lặng với Người với mục đích để tôn vinh Ngài sau cái chết và để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Vậy nếu Thiên Chúa không nhận lời chúng ta là để ban cho chúng ta điều tốt đẹp hơn cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy để tùy Ý Thiên Chúa quyết định trên mỗi lời cầu nguyện của chúng ta hầu giúp ích cho riêng chúng ta và cho mục ích cao vời của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta nữa.
Kết luận, mô hình cầu nguyện hiệu quả mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta khi cầu nguyện là hãy (1) tin tưởng tuyệt đối vào Ngài, (2) tự do trình bày các ý nguyện cũng như nhu cầu của chúng ta, nhưng (3) hãy phó thác vào Ý Chúa để lời cầu nguyện của chúng ta được nên trọn và được Ngài chúc lành. Không nên buộc Thiên Chúa phải chiều theo ý nguyện của mình. Hãy tin rằng, Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự, nhưng việc Ngài làm không nhất thiết phải giống ý chúng ta. Vấn đề quan trọng là những lời cầu nguyện của chúng ta làm đẹp lòng Ngài khi chúng ta chiều theo Ý Ngài và sẽ được Ngài chuyển hóa điều dữ thành lành, và điều lành trở nên thánh thiện cho cuộc sống của chúng ta. Amen.
Các bạn thao khảo thêm các bài viết “Đường về nước Trời”