Mới viết trên status xong về việc phương pháp dạy học tốt tiếng Hàn, asb lại muốn viết luôn một bài để có thể nói rõ hơn chút về điều mình muốn nói.
Trong đời học sinh sinh viên, mặc dù việc học chính vẫn là từ bản thân của người học. Học tốt là do sự nỗ lực nhiều từ bản thân. “nếu không chịu tự mình học, sẽ không có kiến thức nào vào đầu.” Điều này tuy đúng. Nhưng nếu nói vậy thì người dạy lại đổ hết trách nhiệm vào đầu sinh viên. Khi sinh viên yếu thì nói là tại sinh viên không chịu học v.v. Nếu cứ đổ qua đổ lại thì chẳng khác nào là buổi tranh cãi vô tận về đề tài là “con gà có trước hay trái trứng?”.
Trong trường hợp, nếu sinh viên cực kỳ chăm học, lấy việc học làm niềm vui, lấy kiến thức làm kho báu để kiếm tìm, lấy môi trường và bạn bè làm phương tiện cho mình thực tập những kiến thức mình đã học thì “đánh đâu, sẽ thắng đó.”
Trong trường hợp khi thầy giáo đã nỗ lực hết mình, dùng mọi phương pháp hiệu quả nhất để giúp cho sinh viên lãnh hội được kiến thức nhanh nhất… nhưng nếu sinh viên là người không chịu tận dụng, không chịu bỏ thời gian ra tìm tòi học hỏi thì… cũng “bó tay.”
Còn nếu trong trường hợp thứ 3, là trường hợp kết hợp cả 2 trường hợp trên lại, thì kết quả mà sinh viên học được sẽ đạt đến “tột đỉnh”. Hay nói cách khác, trên cả tuyệt vời. Tuy nhiên, trường hợp thứ 3 này là trường hợp nhỏ nhoi vì số giáo viên có được điều này không nhiều, và vì số sinh viên trong trường hợp thứ nhất cũng không bao nhiêu, nên asb chưa muốn bàn tới.
Điều asb muốn đề cập đến ở đây là phương pháp dạy của giảng viên. Một người hiểu sâu về phương pháp dạy, biết rõ về trình độ của người học, về văn hóa cũng như quan điểm… thì có thể nói, một giờ dạy của họ có thể bằng gấp 2, 3 giờ của người khác xét theo khía cạnh hiệu quả. Vì họ biết người học đang cần gì và họ phải làm gì để có thể giúp cho người học lĩnh hội được kỹ năng, hay kiến thức một cách tốt nhất. Đó là lý do tại sao mỗi lần phỏng vấn tuyển giảng viên Đại học, kinh nghiệm về giảng dạy cho sinh viên đại học luôn là một điều thiết yếu.
Người dạy giỏi phải biết cách xây dựng văn hóa học tập (cultural learning) cho người học ngay từ buổi ban đầu, tạo ra được những hoạt động hiệu quả nhất để người học có thể thực tập được kỹ năng hay kiến thức một cách hữu hiệu nhất. Tùy theo từng trình độ, tùy theo việc đào tạo kỹ năng hay kiến thức để có thể tạo ra được những hoạt động này.
Người dạy phải biết rõ về những kỹ năng hoặc kiến thức về môn học mà người học trong một khóa học/học kỳ cần đạt được. Và hơn nữa, người dạy phải biết rõ được những chiến thuật mà có thể giúp cho người học có thể lĩnh hội và thực hành được những kỹ năng/kiến thức mà khóa học đòi hỏi. Khi hiểu rõ được những điều này, cộng với việc am hiểu về môn học và những kiến thức mà người học cần đạt được, thì người dạy có thể sẽ biết cách tốt nhất để giúp cho người học hiểu biết được nhanh hơn.
Để có được những điều này, người dạy không phải chỉ cần có kinh nghiệm, mà cần có một kiến thức rất rộng về nhiều mặt, đặc biệt là lãnh vực mà mình đang giảng dạy. Muốn được như vậy thì việc đọc sách, đọc tạp chí khoa học và việc nghiên cứu trong giảng dạy luôn là những hoạt động cần thiết cho các giảng viên.
Hạnh phúc nhất trong đời học sinh sinh viên là có được một người thầy/cô có đủ khả năng giúp mình học một cách có hiệu quả nhất, tạo những hoạt động cho mình học tập và thực hành những kỹ năng/kiến thức một cách tốt nhất, tạo nhiều cơ hội cho mình biết tìm tòi, học hỏi chuyên sau hơn… dĩ nhiên là có chút áp lực. Như vậy, những bài học mình học được luôn là những kiến thức tốt đẹp, đi theo mình suốt cả đời. Và thậm chí, còn có thể biến mình trở thành những người dạy hiệu quả nhất cho các tầng lớp về sau.