Làm quản lý, đôi khi chúng ta thấy khó chịu vì mọi chuyện không xẩy ra như ý mình mong muốn. Mình chỉ đạo một đường thì người ta làm một nẻo. Đôi khi mình muốn họ làm thế này thì họ lại làm thế kia. Có khi mình đưa những chỉ dẫn rất cụ thể để giúp công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp thì những người liên quan cứ từ từ, xem như đó không phải là việc của họ. vậy là người quản lý chúng ta phải làm sao?
Thứ nhất, chúng ta phải theo sát công việc. Liên tục kiểm tra xem họ có làm những gì mình cần hay chưa. Nếu mình quên đi một ngày là họ sẽ quên lãng 1 ngày, mình quên 2 ngày là họ sao nhãng công việc đó 2 ngày… sau 5 ngày thì họ nghĩ rằng việc đó không quan trọng nên họ bỏ qua luôn. Nếu thế thì công việc sẽ bị trì trệ và thậm chí sẽ, đối với một số việc, mất luôn cả cơ hội để làm được việc đó. Do đó, là người quản lý, chúng ta phải theo sát với mục tiêu công việc. Kiểm tra xem họ có làm được việc đó chưa. Nếu chưa, thì tìm hiểu xem công việc bị ách tắc ở đâu để mình tìm cách “khai thông” cho việc “chạy tiếp”. Nếu rồi, thì các bước kế tiếp là phải làm gì, hãy chỉ dẫn cụ thể cho họ. Ngoại trừ một vài người có trách nhiệm với công việc, phần lớn là những người liên quan không chịu làm, dù biết cách làm cũng không muốn làm. Tồi tệ hơn là còn có những người không làm nhưng hay chê bai. Do đó, là nhà quản lý, chúng ta phải theo sát công việc cho tới khi hoàn thành như ý mình mong muốn.
Thứ hai, là nhà quản lý, khi triển khai bất cứ điều gì, chúng ta phải hiểu công việc này cần làm những gì để đạt mục tiêu. Đừng trở thành nhà quản lý mà lúc nào cũng chỉ toàn nói những chuyện trên trời mà không quan tâm đến mình là ai, ngữ cảnh của mình thế nào… để có thể đạt được mục tiêu công việc, hoặc hoàn thành một công việc nào đó. Chúng ta phải là những người biết mình đang đi trên mặt đất, và phải đi như thế nào, và làm những gì để đạt đến một độ cao nào đó. Do đó, chúng ta phải biết các bước cần làm để thực hiện một mục tiêu, dù mục tiêu đó là khó đến cách mấy. Như vậy, chúng ta sẽ có thể hướng dẫn những người liên quan các bước thực hiện và các cách thức phải làm để đạt được mục tiêu mình đặt ra. Trong quản lý, chuyên môn người ta gọi là KPIs (key performance indicators).
Thứ ba, là nhà quản lý, chúng ta phải tự tin vào những gì mình làm và phải biết quyết đoán. Tự tin ở đây không phải là tự tin một cách mù quáng. Nhưng là tự tin của sự hiểu biết mà tôi vừa nhắc đến ở điều hai. Khi mình biết những gì cần phải làm để đạt mục tiêu, hoàn thành công việc thì mình phải tự tin trong những việc mình làm cũng như những chỉ đạo/chỉ dẫn cần thiết cho những người liên quan thực hiện. Lắng nghe các ý kiến của người khác góp ý là điều tốt, nhưng khi nghe họ, chúng ta cũng cần lưu ý đến điều thứ nhất trong bài viết này, đó là có những người không muốn làm nhưng hay có ý kiến “bàn ra” hoặc “chê bai”… khiến chúng ta nản lòng hoặc công việc bị trì hoãn. Do đó, tính quyết đoán là rất cần thiết trong khi thi hành công việc.
Tóm lại, là nhà quản lý, muốn hoàn thành một mục tiêu nào đó thì chúng ta cần phải giám sát công việc liên tục, chỉ đạo một cách thật quyết liệt, nhưng vẫn phải hiểu các bước phải làm để đạt được mục tiêu đề ra. Hai tính cách tự tin và quyết đoán cũng rất cần thiết cho một nhà lãnh đạo nếu muốn thành công trong một công việc nào đó. Dĩ nhiên, trong suốt quá trình thực hiện công việc, chúng ta cũng gặp các lời xì xào chống đối, nhưng không nên vì thế mà nản lòng. Hoàn thành mục tiêu công việc mới là điều mà nhà quản lý cần quan tâm.
Chúc các bạn thành công nhé.