Cầu nguyện luôn là một hoạt động quan trọng thường ngày trong cuộc của những người Kitô Giáo. Nếu không cầu nguyện, con người rất dễ bị rơi vào các cuộc cám dỗ của ma quỉ, và bị xa ngã. Chúa Giêsu trong vườn cây dầu đã nhắc nhở các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để không bị xa trước cám dỗ (Luke, 2022) (Luke 22: 46). Giáo Hội luôn dạy chúng ta ‘hãy cầu nguyện như những hơi thở hoặc nhịp đập của trái tim’ thường ngày (Francis, 2021; Nguyễn, 2020). Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc cầu nguyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cầu nguyện như thế nào cho thật phù hợp, vì nhiều khi mình chỉ biết ‘cầu xin’ hơn là cầu nguyện. Tuy cầu xin cũng là một dạng của cầu nguyện, nhưng có vẻ chỉ đi một chiều từ con người đến Thiên Chúa, mà không biết Thánh ý của Thiên Chúa là gì trong mỗi lần mình cầu xin. Bài viết này sẽ trình bày một mô hình cầu nguyện rất đẹp Lòng Thiên Chúa, vì mô hình cầu nguyện này là mô hình rút ra từ chính lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giêsu trong lúc Ngài cầu nguyện một cách khẩn thiết nhất, trước khi bước vào cuộc khổ hình.
Trong vười cây dầu, Chúa Giêsu quỳ gối, ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng:
“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”(Luke 22: 42)
Luca 22: 42
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta rút ra được một mô hình như sau. Trước hết, khi bước vào cầu nguyện, hãy gọi Thiên Chúa là Cha. Tiếng cha cũng được xem là tiếng Bố, hay tiếng Ba. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy cho chúng ta cầu nguyện khi gọi Thiên Chúa là Cha trong “Kinh Lạy Cha”. Được gọi Thiên Chúa là Cha, là bố quả là tuyệt vời đúng không các bạn? Thiên Chúa, Ngài là chủ muôn loài muôn vật; Ngài tạo dựng nên tất cả, từ không ra có, và Ngài đã tạo dựng nên chính mỗi người chúng ta. Ngài là Vua trên hết các Vua, Chúa trên hết các Chúa. Nhưng Ngài lại xem chúng ta là con của Ngài, được gọi Ngài là Bố, là Ba. Từ “ba con”, “bố con” thật là gần gũi đúng không các bạn? Vậy mà Thiên Chúa lại cho chúng ta được vinh dự ấy, được làm con cưng của Ngài. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, mỗi lần con cái của chúng ta gọi chúng ta là “ba ơi” [mẹ ơi], và kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của các bé, chúng ta cảm thấy hạnh phúc biết chừng nào. Tiếng “ba, con” luôn thật ngọt ngào khi con cái của chúng ta gọi chúng ta như thế. Và sự ngọt ngào của tiếng “ba” sẽ làm trái tim của chúng ta bị ‘tan chảy’ mỗi khi con cái chúng ta xin chúng ta điều gì. Do đó, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta hãy học theo Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện trong vườn cây dầu, gọi Thiên Chúa là Cha.
Bước thứ hai khi chúng ta cầu nguyện là hãy tìm hiểu Thánh ý của Thiên Chúa, “Nếu Cha muốn”. Tìm hiểu Thánh ý của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện luôn là một trong những điều cần thiết nhất, giúp chúng ta hiểu được xem những gì chúng ta muốn, chúng ta xin, có phù hợp với Thánh ý của Thiên Chúa hay không. Khi cầu nguyện, đừng chỉ biết xin, xin, và xin; hay nói, nói, và nói. Làm như thế chúng ta không thể lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa trong giờ cầu nguyện. Vì những gì chúng ta muốn, chưa chắc đã là điều Chúa muốn, và những gì chúng ta xin, chưa chắc đã là đẹp lòng Thiên Chúa. Do đó, Tìm hiểu Thánh ý của Thiên Chúa luôn là một việc rất quan trọng trong cầu nguyện.
Sau khi gọi Thiên Chúa là Cha, tìm hiểu Thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta hãy trình bày cho Chúa nghe tất cả những ước nguyện của chúng ta, “xin cất chén này xa con”. Hãy làm như việc của một đứa con nói cho ba nghe tất cả những gì bé muốn nói. Không cần phải e ngại bất cứ điều gì, dù việc đó, đôi khi, chỉ phát xuất từ tính ích kỷ của chúng ta. Đối với người Cha, dù đứa con có như thế nào đi nữa, tất cả những gì con nói, đều làm Cha vui lòng. Hãy kể cho Cha nghe, điều mình muốn nói, và xin người Cha cất khỏi mình tất cả những khó khăn, đau khổ mà mình đang gặp phải. Hoặc xin Cha ban cho mình những điều tốt đẹp, xin ơn Bình an, xin cho mọi việc của chúng ta làm được thuận lợi… Nói cách khác, cứ trình bày với Cha tất cả những gì có từ đáy lòng của chúng ta trong khi cầu nguyện. Hãy an tâm vì Chúa Giêsu cũng làm như thế khi Ngài mang thân phận yếu hèn của con người.
Bước cuối cùng trong cầu nguyện là, dù chúng ta có muốn gì đi nữa, khao khát điều gì đi nữa, thì việc vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa là điều quan trọng nhất trong giờ cầu nguyện, “xin đừng làm theo ý con, mà làm theo Ý Cha”. Đây có thể xem là ước muốn ‘anh hùng’ nhất trong cầu nguyện. Chỉ cần nói câu nói này sau mỗi lời cầu nguyện, có thể giúp chúng ta được nên thánh. Bình thường mà nói, mỗi khi cầu nguyện, ai cũng muốn Thiên Chúa làm theo ý mình, ban cho mình những điều mình cầu xin. Nhưng Thánh ý của Thiên Chúa không luôn như ý riêng của mình. Ngài có kế hoạch của Ngài. Ngài muốn sắp xếp mọi chuyện theo thứ tự của riêng Ngài. Và thứ tự của Ngài luôn mang lại điều tốt đẹp cho chúng ta dù việc đó có vẻ như trái ý với chúng ta. Thậm chí, còn có thể dẫn chúng ta đến cái chết. Điều này thấy rõ nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt trong cuộc tử nạn của Ngài. Ý của Chúa Giêsu lúc đó là không, không phải đi vào cuộc tử nạn. Nhưng Ý của Chúa Cha là có, phải đi vào cuộc khổ tử nạn. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta là phải Vâng lời theo Thánh ý của Chúa Cha, và Ngài đã Vâng lời cho đến Chết, và chết trên Thập giá. Do đó, trước khi kết thúc giờ cầu nguyện, chúng ta hãy nói với Chúa rằng, “xin làm theo Ý Cha, đừng làm theo ý con.” (Luke, 2022).
Kết luận, để có lời cầu nguyện đẹp nhất, hiệu quả nhất, và đẹp Lòng Chúa nhất, chúng ta hãy học theo mô hình cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Trước hết, hãy gọi Thiên Chúa là Cha, xem Ngài là người bố của mình để giúp cuộc trò chuyện [cầu nguyện] với Thiên Chúa trở nên thân thiện hơn, ngọt ngào tình cha con hơn. Kế đến là hãy tìm hiểu Thánh ý của Thiên Chúa xem những gì đang xẩy ra với mình, Thánh ý của Ngài như thế nào, Ngài muốn điều gì nơi chúng ta. Sau đó, hãy trình bày tất cả những gì chúng ta mong muốn từ tận đáy lòng của mình, bất kể ý muốn của mình là gì. Sau cùng là nói lời xin vâng, “xin làm theo Thánh ý cha, không làm theo ý con.” Đây có thể được xem là mô hình cầu nguyện tốt đẹp nhất trong các mô hình cầu nguyện vì Chúa Giêsu thực hiện lời cầu nguyện này trong lúc Ngài đau buồn nhất, tha thiết nhất, cô đơn nhất, và là một trong những lời nguyện cuối cùng trước khi Ngài đi vào cuộc khổ tử nạn.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện một cách làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và ban sức mạnh cho chúng con biết cách luôn vâng theo Thánh ý Chúa trong tất cả những lời cầu nguyện thường ngày của chúng con. Amen.
References
Pope Francis (2021). ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện là hơi thở mang lại ý nghĩa cho công việc của chúng ta. Retrieved April 2022, from Vatican News: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-kien-tri-cau-nguyen.html
Nguyễn, E. (2020). Sống, cầu nguyện như hơi thở. Retrieved April 2022, from Mái Ấm Nazareth: https://giadinhnazareth.org/ton-giao/song-cau-nguyen-nhu-hoi-tho/
Luke. (2022). The Agony in the Garden. Retrieved April 2022, from United States Conference of Catholic Bishop: https://bible.usccb.org/bible/luke/22?14