Trong ba bài trước về đề tài “thành nhân trước khi thành danh”, mình đã định nghĩa thế nào là thành nhân, và định hướng về việc đánh giá một con người có thành danh hay không bằng cách nhìn vào các giá trị cốt lõi quan trọng của con người. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường mong muốn có được một địa vị tốt, một bằng cấp cao để có được mức thu nhập thật tốt. Nói cách khác là chúng ta đang muốn trở nên “thành danh”. Tuy nhiên, một người không thể thành danh nếu không thành nhân (bài viết 1 & 2), không thể thanh danh nếu không có trách nhiệm (bài viết 3), và cũng không thể thành danh nếu chúng ta không biết xây dựng cho mình tính tự chủ bởi vì tính tự chủ giúp các bạn sinh viên sau này biết tự chủ trong lập nghiệp.
Từ “tự chủ” trong tiếng Anh được dịch là “self-control”, có nghĩa là mình tự làm chủ con người của mình, tự mình biết đưa ra những quyết định cần thiết nhất cho mình, và tự mình biết chọn lựa điều gì nên làm, và điều gì không nên làm. Và phải tự biết định hướng cho cuộc đời của mình và tương lai của mình.
Sẽ có bạn sinh viên nói rằng “thầy ơi, tất cả những gì em đang làm, và ngay cả ngành học mà em đang theo, cũng là do bố mẹ em, chứ không phải em quyết định. Vậy điều đó có tốt không? và em phải làm sao?”
Bố mẹ mình định hướng cho mình là bởi vì (1) muốn điều tốt cho mình, (2) muốn mình có một tương lai tươi sáng, (3) vì thấy mình chưa có cái nhìn rõ ràng về tương lai của mình, (4) và vì thấy mình chưa biết tự chủ về đường đời của mình… Điều này là tốt đẹp vì ba mẹ mình là những người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Sinh mình ra và nuôi mình lớn lên nên hiểu khá rõ về mình.
Những điều này xẩy ra không có nghĩa là ba mẹ mình sẽ quyết định mọi việc cho mình mãi mãi. Nhưng là họ muốn các bạn lớn lên, trưởng thành hơn, học hành giỏi hơn trong môi trường đại học để các bạn có thể “tự làm chủ” cuộc đời của mình. Và ngay khi các bạn trưởng thành và biết tự làm chủ các lựa chọn của mình, tự làm chủ cuộc đời của mình, thì không bố mẹ nào lại không hạnh phúc và không có điều gì làm họ vui hơn khi thấy con cái của mình đã trưởng thành, biết đắn đo suy nghĩ trong mọi hành động, để làm chủ được con người của mình trong mọi vấn đề.
Về phía nhà trường Đại học Văn Hiến, để đào tạo nên một sinh viên có tính cách biết tự chủ, trước tiên, chương trình đào tạo và các học phần phải được thiết kế cho sinh viên biết cách sáng tạo trong học tập. Tạo các hoạt động giảng dạy giúp sinh viên biết cách giải quyết các vấn đề (problem-solving). Sinh viên phải được tạo cơ hội tranh cãi trong học tập, phải biết đưa ra các sáng kiến của mình và phải bảo vệ được các ý kiến đó, biết giải thích tại sao mình quyết định như vậy, và tại sao cách giải quyết của mình là cách tốt nhất. Cách thức giúp sinh viên biết sáng tạo, đưa ra các cách giải quyết hiệu quả cùng với các giải thích phù hợp sẽ giúp cho họ từ từ phát triển tính cách tự chủ.
Thứ hai, chương trình đào tạo và các học phần phải biết giúp cho các sinh viên thực hiện các dự án (project-based) trong lớp học. Các dự án có thể là đi tìm thông tin về một hiện tượng nào đó; cũng có thể là thực hiện một bài nghiên cứu nho nhỏ về một đề tài nào đó; hay có thể là tìm kiếm và trình bày các thông tin kiến thức rộng hơn về một chương trong cuốn sách, giúp cho buổi học càng thêm sinh động hơn v.v. Khi được giao nhiệm vụ về một trong các việc này, sinh viên sẽ phải tự mình đi tìm kiếm thông tin. Biết cách chọn lọc các thông tin kiến thức hay nhất để trình bày cho các bạn trong lớp và thầy/cô nghe. Phải tìm cách giải thích như thế nào dễ hiểu nhất cho mọi người. Hay phải trình bày trong cuốn đề án như thế nào cho hấp dẫn nhất để thầy/cô cho điểm cao hơn v.v. Những hoạt động này sẽ giúp sinh viên ngày càng trở nên biết tự chủ hơn trong công việc, cũng như trong lựa chọn của mình.
Điều thứ ba mà chương trình đào tạo phải làm để giúp cho sinh viên biết cách tự chủ là “tổ chức cho các em biết cách làm việc nhóm”. Hoạt động làm việc nhóm có thể là thảo luận trong nhóm về một đề tài nào đó, hay một vài câu hỏi nào đó, cũng có thể là làm dự án (project) theo nhóm… Khi thảo luận trong nhóm, có thể xẩy ra việc khác biệt về quan điểm hay ý tưởng, cũng có thể khác biệt về kiến thức… Những điều này sẽ gây ra một số tranh cãi trong nhóm. Tuy nhiên, những tranh cãi này là rất cần thiết trong lớp học. Bởi vì mỗi người phải đưa ra những lý luận của mình để biện minh cho ý kiến của mình, người khác cũng cần phải phản biện để không bị thuyết phục bởi bạn cùng nhóm… Việc này sẽ tạo nên ý thức tự chủ của bản thân rất cao vì mỗi người phải vận dụng hết những kiến thức mình có để chứng minh rằng mình đúng. Hoạt động này không những chỉ giúp cho người “thắng cuộc”, mà còn giúp cho cả người “thua cuộc” biết cách tự chủ mình khi người khác hay hơn mình, biết nhường bước để học hỏi thêm v.v. Kết quả là các sinh viên sẽ phát triển được tính tự chủ rất cao.
Còn về phần sinh viên, muốn học và rèn được tính tự chủ thì phải biết chủ động trong việc học hành. Tự làm bài tập, tự tìm tài liệu học hỏi về các môn mình đang học là điều rất cần thiết để rèn luyện tính tự chủ. Ngoài việc phải làm các dự án (project) mà giảng viên giao, các bạn phải biết cách tự tìm cho mình một phương pháp học tốt nhất. Mỗi ngày, các bạn phải dành ra một khoảng thời gian nào đó để tự học. Việc tự học có thể vào thư viện đọc các sách hoặc tài liệu có liên quan đến môn học của mình. Hoặc tự mình giành thời gian để học thêm ngoại ngữ, giúp cho công việc sau này của mình trở nên thuận lợi hơn… Tóm lại, tự học là một trong những biện pháp giúp các bạn nâng cao tính tự chủ nhanh nhất và hiệu quả nhất bởi vì mình là người tự quyết các hoạt động tự học này.
Kết luận, để đào tạo và rèn luyện cho sinh viên có tính tự chủ, chương trình đào tạo phải đảm bảo việc tạo cơ hội cho sinh viên có tính sáng tạo trong học tập, triển khai cho sinh viên làm các dự án trong môn học, và tổ chức lớp học theo nhóm, giúp cho sinh viên phát triển tính tự chủ. Còn đối với sinh viên, ngoài việc làm bài tập hoặc các dự án do giảng viên giao, các bạn phải luôn biết cách tự chủ trong mọi hoạt động học tập, đặc biệt, tự mình nâng cao tính cách tự học để nâng cao kiến thức. Những điều này sẽ giúp các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ biết tự chủ trong lập nghiệp, biết cách chọn lựa cho mình một công việc phù hợp nhất để phát triển bản thân của mình.
Các bạn đọc thêm:
- Thành nhân trươc khi thành danh 1 – Thành nhân
- Thành nhân trước khi thành danh 2 – Thành danh
- Thành nhân trước khi thành danh 3 – Trách nhiệm
- Thành nhân trước khi thành danh 4 – Tự chủ