Bài viết về quản lý 7, mình trình bày với các bạn cách tuyển dụng nhân viên làm được việc. Tìm được người làm được việc mà mình mong muốn trong số rất nhiều người ứng tuyển là rất khó. Nhưng tìm tuyển dụng người vào chức quản lý lại càng khó hơn rất nhiều. Bài viết này đi xa hơn một bước nữa với mục đích giúp cho các nhà quản lý có “thước đo” (Rubrics) để tìm người quản lý giỏi trong số những người quản lý hoặc nhân viên hiện thời đang làm việc với mình, để có thể cất nhấc lên các chức vụ hoặc vị trí quản lý khác trong tương lai.
Làm quản lý (sếp) trong một công ty hay tổ chức, điều chúng ta mong muốn là có được một đội ngũ nhân viên/quản lý giỏi để công việc của mình có thể đi theo các chiến lược hoặc các hướng mà mình nhắm tới. Điều chúng ta mong muốn nhất là phảo có được những người làm việc có hiệu quả, bởi vì mục đích mỗi ngày của mình là làm sao tạo ra được những sản phẩm tốt nhất. Vậy muốn có được một đội ngũ nhân viên hiệu quả thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là phải tìm ra những người đứng đầu, những người quản lý thật sự hiệu quả. Nói ra điều này ai cung đồng ý, nhưng làm sao để có được điều này thì không phải ai cũng có thể biết và làm được. Tuy nhiên, mình cũng vẫn chia sẻ cho các bạn về kỹ năng quý giá này, giúp cho các bạn rút ngắn thời gian học hỏi kinh nghiệm trong công việc.
Điều thứ nhất các sếp cần làm để tìm ra các nhân viên hay các người quản lý thực sự có khả năng quản lý công việc tốt là “giao công việc và tạo áp lực hoàn thành công việc”.
Có người hỏi, giao công việc là chuyện thường ngày các sếp đang làm, có gì là mới? Đúng, giao công việc là điều bình thường các sếp hay làm, nhưng tạo áp lực hoàn thành công việc là điều rất cần thiết để có được thước đo khả năng xử lý công việc của nhân viên. Một người mà sau khi được giao công việc, cứ từ từ mà làm, không để ý đến deadline, và thậm chí còn cho rằng deadline sếp đưa ra là vô lý, không thể thực hiện được thì đúng là người không thể làm quản lý được. Người làm quản lý mà từ từ mới làm thì làm sao ép nhân viên làm việc nhanh được? Người quản lý mà không hết mình lo lắng cho nhiệm vụ của mình, trách nhiệm của mình phải làm thì làm sao bắt nhân viên phải làm việc có trách nhiệm? Người quản lý mà việc thì không chịu làm, nhưng suốt ngày đụng đến là chỉ biết giải thích cách này cách khác, đủ mọi lý do không làm được thì nhận nhiệm vụ quản lý để làm gì? Như vậy, việc quản lý đối với họ là không phù hợp. Đối với họ, sếp phải thử một vài lần, nếu tình trạng không có gì thay đổi thì sẽ phải thay đổi họ, tìm một người khác phù hợp hơn để không ảnh hưởng đến tiến độ thưc hiện công việc và cũng không ảnh hưởng đến người khác.
Còn những nhân viên khi nhận được việc đã giao với áp lực về thời hạn mà biết làm việc hết mình, làm thật nhanh và kết quả thật tốt để kịp thời hạn, và một vài lần như vậy thì đúng là những người có khả năng quản lý tốt, chịu áp lực được công việc. Ý thức được trách nhiệm của mình, và biết cách xử lý trong mọi tình huống để hoàn thành công việc thì họ sẽ là người bạn nên chọn vào các vị trí quản lý cao hơn. Những người có trách nhiệm với công viêc của mình là những người có tấm gương sáng nhất cho các nhân viên của mình học theo. Những người chịu áp lực cao khi giải quyết công việc là những người có khả năng xử lý các công việc căng thẳng nhất mỗi khi gặp phải. Họ sẵn sàng đương đầu để giải quyết, và tìm cách giải quyết tốt nhất và nhanh nhất, hay nói cách khác là hiệu quả nhất. Những người này mới xứng đáng được lựa chọn và cất nhấc lên các vị trí quản lý trong công ty hay tổ chức của mình. Thời gian về kinh nghiệm là không quan trọng lắm.
Khi làm sếp, chúng ta chịu áp lực rất cao về công việc, và trách nhiệm của chúng ta cũng rất lớn. Những định hướng và các chiến lược phát triển công ty hay tổ chức mà chúng ta nhắm tới cần phải được hỗ trợ bởi những nhân viên làm được việc (Quản lý 7), những người quản lý đầy trách nhiệm và chịu áp lực cao trong xử lý công việc, và hoàn thành công việc thật tốt. Do đó, chúng ta cần có thước đo để lựa chọn những người quản lý hiệu quả.
Ngoài ra, thuận lợi của việc tạo thước đo tìm người quản lý tốt này cũng giúp chúng ta chọn lọc ra được những người không phù hợp với chức vụ quản lý mà chúng ta cần.
Tóm lại, bổ nhiệm quản lý không phải là để trang trí. Người quản lý giỏi phải là người chịu được áp lực cao, giải quyết công việc nhanh gọn, và kết quả thật tốt. Những người không phù hợp với vị trí quản lý do không chịu được áp lực của công việc thì cần phải bố trí cho họ làm những công việc mà họ thích, phù hợp với khả năng của họ. Bổ nhiệm người làm quản lý không phải chỉ là để trang trí cho đẹp, nhưng là để tạo ra được năng xuất hoạt động thật tốt. Mỗi gian đoạn phát triển của tổ chức chúng ta cần tìm người phù hợp với thời kỳ phát triển đó để đưa tổ chức đi lên. Chúng ta cần phải lường trước là trong bộ phận đó, vào thời kỳ đó, chúng ta đang cần người như thế nào cho phù hợp nhất. Chúc các bạn có được những chọn lựa thật hiệu quả.
Các bạn tham khảo thêm các bài liên quan:
- Quản lý 1
- Quản lý 2
- Quản lý 3
- Quản lý 4 – Lựa chọn
- Quản lý 5 – Giữ chân nhân viên
- Quản lý 6 – Chiến lược xây dựng phát triển
- Quản lý 7 – Tuyển nhân sự
- Quản lý 8 – Lựa chọn quản lý giỏi
- Lựa chọn 3