ĐH Văn Hiến hiện nay có slogan cho chương trình đào tạo là “Thành nhân trước khi thành danh”. Ý tưởng này được Hội đồng quản trị đưa ra cách đây đã lâu; tuy nhiên, để giải thích sâu sắc về định hướng này vẫn còn là một ẩn số. Cần có thêm nghiên cứu và bàn bạc thật nhiều mới có thể giải đáp được ẩn số này. Trong loạt bài viết này, mình muốn trình bày một số quan điểm cá nhân với hy vọng từ từ sẽ làm cho vấn đề trở nên rõ hơn.
Trước hết, mình sẽ định nghĩa như thế nào là “thành nhân”. “Nhân” theo tiếng Hán là người. “thành” là trở nên trọn vẹn. Như vậy “thành nhân” có nghĩa là “trở nên một con người trọn vẹn”, hay nói cách khác là “nên người”.
Vậy thế nào là một con người được trở nên trọn vẹn? hay “nên người”?
Nhìn vào quá trình phát triển của một em bé, từ nhỏ đến khi trưởng thành, bước vào đời và lập nghiệp. Có người trở nên thành công, có người lại bị thất bại. Vậy có phải thành công mới là nên người, còn thất bại là chưa nên người? Nếu vội vàng kết luận là phải, thì chắc chắn người trả lời chưa hiểu rõ cụm từ “nên người” là gì. Nhưng nếu trả lời là không, cũng chưa chắc hoàn toàn là đúng. Bởi vì, một con người được gọi là “nên người”, “trở nên trọn vẹn” không có nghĩa là lúc nào cũng phải thành công hay thất bại, nhưng là phải dựa vào rất nhiều yếu tố.
Trong dân gian có câu “thất bại là mẹ của thành công”. Như vậy đôi khi thất bại mới là điều kiện giúp người ta “nên người”, còn sự thành công thì chưa chắc. Một người mà nhận được thành công quá sớm, rồi chỉ biết say mê trong chiến thắng, coi thường người khác thấp bé hơn, không biết cảm thông chia sẻ, chỉ biết miệt thị người khác v.v. thì chẳng đời nào họ được liệt vào danh sách của những kẻ “nên người”.
Còn một ai đó khi rơi vào cảnh thất bại, biết nhìn nhận những yếu điểm của mình, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá khách quan, để rút ra bài học xương máu, tích lũy kinh nghiệm để khắc phục cho các lần sau… thì người đó sẽ biết trưởng thành hơn, điềm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, bao dung hơn và biết sống cảm thông hơn. Đối với những người như thế này trong ánh mắt của người khác, họ được xem là người chín chắn, am hiểu về cuộc sống, và biết thông cảm cho người khác, và được nhiều người quý mến.
Nhưng nếu chỉ được mọi người quý mến thì có xem là đã “nên người”? “trở nên trọng vẹn”? Vẫn chưa đủ. Vậy sự “nên người” là gì?
“Thành nhân”, “nên người”, ngoài những đức tính cần phải có như vừa kể bên trên, người ta còn cần phải biết có trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Một người mà không có trách nhiệm với chính bản thân mình thì người đó chẳng bao giờ biết có trách nhiệm với ai khác, hay với một tổ chức nào. Và như thế chẳng bao giờ được ai xem là đã trưởng thành, nên người.
Nếu một ai đó, luôn có trách nhiệm với bản thân mình, biết xác định tương lai của mình. Làm bất cứ thứ gì cũng làm hết mình, làm cho tốt. Xem trách nhiệm của mình là mang lại điều tốt đẹp cho cộng đồng, cho người khác… thì người đó, là người biết gắn trách nhiệm của mình vào với trách nhiệm của cộng đồng, giúp mọi người xung quanh mình cùng phát triển.
Kết luận cho bài viết 1 này, “nên người” được xem là những người đã trưởng thành, những con người chín chắn, kiên nhẫn, bao dung, biết suy nghĩ đến bản thân và người khác, tự chịu trách nhiệm về chính mình, về cuộc đời của mình và chịu trách nhiệm với cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc.
Bài viết kế tiếp mình sẽ trình bày về khía cạnh “Biết tự chủ”.
Các bạn đọc thêm:
- Thành nhân trươc khi thành danh 1 – Thành nhân
- Thành nhân trước khi thành danh 2 – Thành danh
- Thành nhân trước khi thành danh 3 – Trách nhiệm
- Thành nhân trước khi thành danh 4 – Tự chủ