Hôm qua mình có post hình ảnh về “Trung tâm hỗ trợ người học” (Student-support Center) và thấy các bạn quan tâm chữ “Người học vs. Students” nên mình share một chút nhé. Trong tiếng Anh có chữ “learners” tạm dịch là người học, còn chữ “student” thì mình hay dịch là sinh viên. Vậy ngữ nghĩa của hai từ này như thế nào? Khác nhau ra sao? Và được sử dụng trong các trường hợp nào?
Chữ learner là một danh từ được dùng chung trong lý thuyết giảng dạy, nói đến tất cả các thành phần tham gia các hoạt động học tập từ lớp một trở lên. Và gần đây từ này (learners) còn chỉ đến việc học của các bé từ trong bụng mẹ (Clips về đề tài thai giáo mình đã chia sẻ) và việc học của các bé từ khi chào đời. Nói tóm lại, từ learner (người học) có thể chỉ đến bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào trong quá trình hấp thu kiến thức. Từ learner này thường được sử dụng trong lý thuyết dạy và học (Theories of teaching/learning) để trình bày các lý thuyết/giả thuyết trong quá trình học tập và tiếp thu ngôn ngữ của một con người, giúp khám phá ra các nguyên tắc hiệu quả trong việc đào tạo và giáo dục. Tuy nhiên, khi vào trường học, thì người ta không gọi học sinh – sinh viên là learners, mà gọi là students hay pupils. Đó là tiếng Anh. Còn tiếng Việt mình thì có thể dùng chữ người học để định nghĩa chung cho một tên gọi gì đó, chẳng hạn ĐH Văn Hiến đặt tên cho “Trung Tâm hỗ trợ người học”.
Từ “student” mình hay sử dụng ở VN là SV Đại học hoặc Cao đẳng. Sau Đại học thì mình dùng là “Học viên” cao học. Còn đối với tiếng Anh thì danh từ student được Từ điển Cambridge định nghĩa là “a person who is studying at a College, University, or school” Như vậy chữ student có thể thu gọn lại đối tượng hơn là chữ learner, ít nhất là đã tham gia học ở trường. Tuy nhiên, nếu học sinh ở cấp 1 thì người ta ít gọi là student, mà là pupil. Còn học sinh ở high school (trường trung học) thì chữ pupil này không còn phù hợp nữa, mà gọi là student vì các em lớn hơn rồi. Còn học viên Cao học/Sau đại học thì người ta vẫn gọi là students, nhưng thêm chữ Graduate students hoặc đôi khi có nơi gọi là Post-graduate students.
Đại học Văn Hiến nằm trong một khối giáo dục HEDU của Tập Đoàn Hùng Hậu (HungHau Holdings), gồm có các trường thành viên từ Trung cấp (Trung Cấp Âu Lạc, TC Vạn Hạnh, TC Vạn Tường), Cao Đẳng (CĐ Vạn Xuân), Đại học và Sau Đại học (ĐH Văn Hiến). Do đó, “Trung tâm hỗ trợ người học” (Student-support Center) của ĐH Văn Hiến được thành lập và xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ tất cả các Học sinh, sinh viên, và học viên sắp, đã và đang tham gia học tập tại môi trường HEDU, giúp tất cả các người học giải quyết tất cả các khó khăn, hỗ trợ công ăn việc làm đang khi học hoặc sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là một phần trong triết lý giáo dục mà ĐH Văn Hiến nhắm tới là đào tạo thế hệ tương lại của Việt Nam “Thành nhân trước khi thành danh”.
Comments