Những người ngoài Công giáo thì đôi khi thắc mắc tại sao người Công giáo lại tin vào Chúa Giêsu đến vậy. Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá và đã chết, nhưng người Công giáo vẫn tin là Chúa Giêsu đã sống lại. Không chỉ vậy, người Công giáo còn tin là sau khi sống lại 40 ngày, Chúa Giêsu đã về Trời và ở cùng Chúa Cha. Vậy điều gì giúp họ xác tín vào niềm tin này đến vậy? Nếu chỉ nói đơn giản như thế thì chắc ít có ai lại tin vào một Chúa Giêsu, đã chết và sống lại, cách đây khoảng 2000 năm. Thực ra, người Công giáo tin và xác tín vào Chúa Giê-su Phục sinh là do họ nhận ra sự hiện diện của Ngài ngay trong đời sống thường ngày của họ. Chẳng hạn, trong bài Tin Mừng CN tuần này, Lk 24: 35- 48, Chúa Giê-su Phục sinh dạy cho chúng ta, người Công giáo, biết cách nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời sống thường ngày của chúng ta.
Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”
Thứ nhất, bất cứ khi nào chúng ta vui, chia sẻ với nhau về câu chuyện Chúa Giê-su, thì Ngài sẽ hiện diện giữa chúng ta, và ban bình an cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng, khi hai tông đồ trở về từ Emmau, kể lại câu chuyện gặp gỡ Chúa Giê-su đi chung đường với họ, nói chuyện với họ, mà họ không nhận ra, cho đến khi Ngài dùng bữa, và bẻ bánh trao cho họ. Họ liền nhận thấy đó là chính Chúa Giê-su yêu quý của họ. Và đang khi họ kể chuyện về Chúa Giê-su thì Ngài hiện ra giữa họ, ban bình an cho họ. Kinh nghiệm từ bản thân của mỗi người trong chúng ta, nếu gợi nhớ lại, ít nhất đã có 1 vài lần chúng ta nói chuyện cho nhau nghe về Chúa Giê-su, về các việc Ngài làm, về Lời của Chúa, về các bài học Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng, ngay những lúc đó, lòng chúng ta trở nên yêu mến Chúa hơn, và chúng ta cảm thấy bình an trong tâm hồn… Đó là dấu hiệu Chúa Giê-su đang hiện diện với chúng ta ngay lúc đó. Về kinh nghiệm thiêng liêng này, có những người nhạy bén với sự hiện diện của Chúa Giê-su thì cảm nhận được rõ ràng, nhưng cũng có nhiều người chưa thực sự cảm nhận được. Tuy nhiên, dù chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài ngay lúc đó hay không thì sự bình an và lòng yêu mến Chúa gợi lên lúc đó cho chúng ta thấy rằng Ngài đã thực sự hiện diện giữa chúng ta, và ban bình an cho chúng ta. Do đó, nếu ai trong chúng ta muốn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục sinh, thì hãy tìm dịp để chia sẻ với người khác, người nhà hoặc bạn bè, về Chúa Giê-su, chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa hiện diện để ban bình an cho chúng ta.
Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
Thứ hai là bất cứ khi nào chúng ta lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, hay buồn sầu, thì Chúa Giê-su Phục sinh sẽ đến với chúng ta và mời gọi chúng ta nhìn vào các vết đinh nơi tay và chân của Ngài. Vì là con người và đang phải sống trong một thế giới đầy biến đổi, nên chúng ta ít nhiều cũng hay bị các yếu tố bên ngoài tác động, khiến chúng ta đôi khi buồn sầu, lo lắng, đôi khi rơi vào tình cảnh sợ hãi, hay nghi ngờ. Có khi chúng ta lo lắng, buồn sầu về những khó khăn đang gặp phải, cũng có lúc sợ hãi về các biến cố xẩy đến với con người như chiến tranh hay Corona Virus… Có khi chúng ta nghi ngờ về người khác. Cũng có khi chúng ta nghi ngờ về chính mình; hoặc đôi khi lại nghi ngờ con đường mình đã chọn… Lúc đó, chúng ta hãy biết rằng Chúa Giê-su Phục sinh cũng đang hiện diện với chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào bàn tay bị đóng đinh của Ngài; Ngài cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm các viết thương nơi bàn chân của Ngài… để chúng ta cảm nhận được rằng, không phải chỉ lúc chúng ta vui, nhưng ngay cả khi chúng ta đau buồn, thì Chúa Giê-su cũng hiện diện với chúng ta. Ngài chia sẽ nồi đau thương của chúng ta bằng chính nỗi đau của Ngài, để chúng ta nhận thấy rằng, chính Ngài đã và đang cùng chịu và chia sẻ những lo lắng, buồn sầu của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua khỏi mọi nghi ngờ đề có thể tin vào Ngài, vượt qua mọi sóng gió, và sống bình an hơn. Chúa Giê-su Phục sinh của chúng ta quá tuyệt đúng không các bạn?
Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Thứ ba, Chúa Giê-su Phục sinh luôn hiện diện với chúng ta và dùng bữa với chúng ta mỗi ngày. Theo nguyên tắc mà nói, sau khi sống lại, thì Chúa Giê-su không nhất thiết phải ăn uống như người phàm vì Ngài là Thiên Chúa, là Vua vũ trụ và bữa tiệc của nước Trời khác xa với bữa tiệc của con người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su luôn rất yêu mến chúng ta. Ngài muốn luôn gần gũi với chúng ta, ngồi chung với chúng ta và ăn chung với chúng ta. Ngài ăn những món chúng ta thường ăn chứ không đòi hỏi phải những món cao lương mỹ vị. Do đó, mỗi bữa ăn của chúng ta hay của gia đình chúng ta, chúng ta nên mời Ngài tham dự vào bữa ăn bằng cách làm dấu, đọc kinh, hay cầu nguyện với Ngài. Và Ngài sẽ ngồi ăn chung bàn với chúng ta. Hay trong trường hợp chúng ta có ăn uống bên ngoài với người khác không cùng tôn giáo, chúng ta cũng nhớ rằng Chúa Giê-su rất muốn ăn cùng với chúng ta, cùng ngồi chung bàn và nói chung những câu chuyện thường ngày, hay về công việc của chúng ta. Đừng vì ngại ngùng mà không làm dấu thánh giá để mời Ngài nhé. Có Chúa Phục sinh ăn chung với chúng ta thì còn gì bằng, đúng không các bạn?
Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại…
Điều cuối cùng chúng ta cần lưu ý là để hiểu và nhận biết sự hiện diện của Chúa, không phải ai cũng có thể làm được, và cũng không phải ai cứ tự mình tìm tòi mà có thể hiểu được một cách thấu đáo, nhưng phải nhờ vào sự “mở lòng, mở trí” của Chúa Giê-su, mới giúp chúng ta hiểu được về Ngài hơn. Đạo Công giáo là màu nhiệm của nước Trời. Những gì của nước Trời thì chỉ từ Trời mạc khải cho chúng ta thì chúng ta mới có thể hiểu thấu được. Và chỉ khi chúng ta hiểu thấu về Chúa Giê-su, thì Ngài sẽ tỏ lộ chính sự hiện diện của Ngài cho chúng ta thấy Ngài như trường hợp của hai tông đồ trên đường Emmau. Sau khi các ông được Chúa Giê-su mở lòng mở trí giải thích Kinh Thánh, những điều viết về Ngài từ thời Cựu ước… Chúa Giê-su đã cho các ông nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh. Tuy nhiên, để được mở lòng mở trí hiểu về Ngài không phải là khó. Mỗi khi đọc Tin Mừng, chúng ta chỉ cần nói với Chúa Giê-su rằng, “Lạy Chúa, xin Ngài nói cho con biết những gì Ngài muốn dạy con trong bài Tin Mừng này.”
Nói tóm lại, Chúa Giê-su Phục sinh luôn hiện diện với chúng ta khi chúng ta vui và chia sẻ về Ngài với người khác, hay khi chúng ta buồn, hoặc gặp gian nan. Ngài cũng đều đến với chúng ta để cùng chịu đựng với mình. Ngoài ra, Ngài còn hiện diện với chúng ta qua mỗi bữa ăn thường ngày để chia sẻ những câu chuyện đời thường của chúng ta. Để nhận biết sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình, chúng ta cần xin Ngài mở lòng mở trí cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về Ngài, và từ đó chúng ta sẽ dễ nhận ra sự hiện diện của Ngài hơn.
Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin Ngài mở lòng mở trí chúng con, giúp chúng con hiểu sâu hơn về màu nhiệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài, và giúp chúng con có thể nhận biết sự hiện diện của Ngài trong từng giờ phút của cuộc sống chúng con. Amen.