Chúa Jesus Phục Sinh luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Nhưng để nhận ra sự hiện diện của Ngài không phải là dễ. Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 mùa Phục Sinh tả lại cảnh Chúa Jesus hiện ra với các Tông đồ trên bờ hồ và nói các ông thả lưới phía bên phải. Sau khi họ làm theo ý Ngài, họ bắt được rất nhiều cá và họ đã nhận ra Ngài. Đó là Chúa Jesus phục sinh. Hình ảnh này trong Tin Mừng dạy cho chúng ta cách nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
“Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”.
(Gioan 21:3-6)
Điều kiện đầu tiên để có sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống là chúng ta phải làm hết mình những công việc thường ngày của chúng ta. “Các Tông đồ đã cùng nhau xuống thuyền đánh cá và họ đã lao động vất vả suốt cả đêm”. Dù họ có kinh nghiệm đánh cá rất nhiều nhưng kết quả vẫn không được như ý họ muốn. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng làm hết mình suốt cả đêm cho đến rạng sáng. Chúa Phục Sinh luôn luôn cần chúng ta cố gắng hết mình trong công việc hằng ngày dù kết quả có được như lòng chúng ta mong ước hay không. Ngài không muốn hiện ra để giúp những kẻ lười biếng.
Thứ hai, Chúa Jesus luôn hiện diện với chúng ta ngay lúc chúng ta cảm thấy thất vọng. Trong đoạn Tin Mừng trên kể lại: “Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu.” Điều này cho chúng ta thấy rằng Chúa Jesus không bao giờ bỏ rơi chúng ta sau khi chúng ta đã nỗ lực hết mình mà kết quả không được như ý muốn. Trước khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Ngài đã biết và đã đến với chúng ta. Ý thức được điều này, tất cả những nỗi lo của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn vì luôn ý thức được sự hiện diện của Ngài mỗi khi chúng ta rơi vào cảnh khó khăn.
Vấn đề đặt ra thêm trong phần này là tại sao các môn đệ không nhận ra Ngài? và điều này nói gì với chúng ta?
Việc các tông đồ không nhận ra sự hiện diện của Ngài có thể được lý giải là do các ông đang cảm thấy chán nản, thất vọng vì không bắt được con cá nào mặc dù đã cố gắng suốt cả đêm. Điều các ông đang quan tâm trong đầu là làm sao để bắt được cá. Các Ngài quá chú trọng vào công việc của mình nên khó có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh.
Điều này cũng có thể rút ra bài học cho tất cả chúng ta. Nếu suốt ngày chúng ta chỉ biết lo nghĩ đến công việc. Làm sao kiếm được nhiều tiền. Làm sao mua được nhà lầu, xe hơi… làm sao và làm sao… mà không biết nghĩ đến Chúa thì dù Ngài có hiện ra trước mắt chúng ta, chúng ta cũng chẳng nhận ra Ngài, mà chỉ nghĩ đó là một người xa lạ nào đó. Chú tâm hết mình vào công việc là điều tốt nhưng luôn biết nghĩ đến Chúa và cầu nguyện với Ngài trong công việc mới có thể giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.
Thứ ba, để nhận ra sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải biết nhận định kết quả của công việc của mình. Trong đoạn Tin Mừng này, “Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá”. Việc kéo lưới và bắt được đầy cá có phải dạy chúng ta nhận ra Chúa thông qua các phép lạ? Không hoàn toàn là như thế vì có rất nhiều người nhìn thấy phép lạ tận mắt nhưng họ vẫn không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Ví dụ như các Tư tế và Thượng tế thời Chúa Jesus. Họ không tin các phép lạ Ngài làm nên họ không nhận ra Chúa. Vậy hình ảnh này dạy cho chúng ta điều gì để nhận ra Chúa?
Khi Chúa Phục Sinh hiện diện với chúng ta, Ngài luôn tỏ ra cho chúng ta một dấu hiệu nào đó. Một dấu hiệu có thể hơi có chút khác thường. Vậy như thế nào có thể phân định được đâu là dấu hiệu có chút khác thường? Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy rằng sự khác biệt giữa 2 tình trạng là không bắt được cá suốt đêm và bắt được cá vào rạng sáng. Mặc dù việc bắt được cá là chuyện bình thường trong kinh nghiệm thả lưới bắt cá của các Tông đồ. Vậy khi nhìn vào các kết quả làm việc thường ngày của chúng ta, chúng ta thử phân định xem kết quả nào là do chính khả năng chúng ta làm mà có được, còn kết quả nào mà có vẻ hơi ngoài khả năng của chúng ta? Như vậy những kết quả chúng ta có được ngoài tầm khả năng của chúng ta đó là do sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và Ngài đã chỉ dẫn cho chúng ta làm như trong trường hợp của các tông đồ thả lưới phía bên phải.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận ra được điều này. Ví dụ, sau khi bắt được nhiều cá, các tông đồ chỉ nghĩ rằng đó là do “may mắn” mà có được, hoặc các ngài lại ỷ vào những kinh nghiệm của mình mà có được sau khi bắt được cá. Hay các ngài lại cho rằng chính mình là người tài giỏi nên mới tạo ra được kết quả tốt như vậy và chỉ biết vui hưởng thành quả trong chiến thắng … thì đúng là họ đã không nhận biết được sự hiện diện của Chúa Jesus đang ở bên họ. Trong trường hợp của mỗi người chúng ta cũng vậy, phải hết sức cẩn thận, biết khiêm tốn nhìn nhận và phân định mới có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống thường ngày của mình.
Một trong những điều khác giúp chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống thường ngày của mình là do sự chỉ dẫn của người khác. Trong trường hợp trên là chính Thánh Gioan đã nói cho Thánh Phêrô nghe về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Như vậy, nhận ra sự hiện diện của Chúa không nhất thiết chúng ta phải trực tiếp nhìn thấy tận mắt, sờ thấy tận tay như trường hợp của Thánh Tôma, mà chỉ cần thông qua sự chỉ dẫn của người khác. “Người môn đệ Chúa Jesus yêu” có thể là một linh mục với bài giảng của ngài trong thánh lễ thường ngày hay trong các giờ tiếp súc khác… ngài vẫn có thể chỉ cho chúng ta thấy “Chính Chúa đó”. Đôi khi, “Người môn đệ Chúa Jesus yêu” có thể là bất cứ ai chúng ta gặp thường ngày nơi công việc, hoặc các bạn thân của chúng ta trong những lần tâm sự… Những lời khuyên của họ cũng chính là câu “Chính Chúa đó”.
Kết luận, Chúa Phục Sinh luôn luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ngài đã nói: “Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài cần chúng ta luôn nỗ lực trong mọi công việc thường ngày nhưng phải luôn nghĩ đến Ngài mới có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài. Trong những lúc chúng ta có thể rơi vào thất vọng thì Ngài sẽ xuất hiện để chỉ dẫn cho chúng ta. Chúng ta cần phải biết nhận định rõ ràng sự khác biệt về những kết quả chúng ta có được để nhận thấy sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có được đến ngày hôm nay không phải hoàn toàn do chính chúng ta gầy dựng, nhưng Chúa Phục Sinh đã có nhiều lần hiện diện và chỉ dẫn cho chúng ta thực hiện. Đừng để những sự kiêu hãnh về khả năng của mình mà quên đi sự giúp đỡ của Ngài. Nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống không nhất thiết phải là nhìn thấy hay sờ thấy được, mà phải bằng một tình yêu to lớn đối với Ngài. Nước Trời là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình là nền tảng giúp mình khởi đầu cuộc sống nước Trời ngay trên trần thế này. Amen.
Các bạn tham khảo thêm các bài khác về “Đường về nước Trời”.