I. Giới thiệu bản thân
Tôi là Phạm Vũ Phi Hổ, tốt nghiệp Đại học năm 1998, ngành Ngoại ngữ, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh. Tôi hiện nay là Giảng viên Khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Mở Tp. HCM.
Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, tôi trở thành giáo viên tiếng Anh và là Trưởng cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Tôi cũng là giảng viên thỉnh giảng cho Sinh viên Đại học Khoa Ngoại ngữ Đại học Nông Lâm, Tp. HCM từ năm 2000 – 2010. Trong thời gian giảng dạy thỉnh giảng, tôi tham gia giảng dạy môn Văn Chương Mỹ (American Literature) và Phương pháp Viết học thuật (Academic Writing) cho các sinh viên chuyên ngữ năm 2 và năm 4. Đồng thời, tôi cũng tham gia học các chương trình Sau Đại học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và chương trình liên kết của SEAMEO Việt Nam với SEAMEO Singapore. Sau đó, tôi học chương trình Cao Học của Đại học Victoria của Úc (liên kết với Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) và tốt nghiệp Thạc sỹ Giảng Dạy Tiếng Anh (TESOL) tháng 2 năm 2006. Đến tháng 09 năm 2006, tôi được Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Nông Lâm Tp. HCM cử đi học chương trình Tiến sỹ tại Đại học Suranaree University of Technology, Thailand. Tôi bảo vệ luận án Tiến sỹ thành công vào tháng 7 năm 2010 và lãnh bằng Tiến sỹ vào năm 2011.
Từ năm 2011 đến nay tôi là giảng viên Khoa Ngoại ngữ Đại học Mở Tp. HCM. Đồng thời tôi cũng đảm nhiệm thêm công việc là Ủy Viên Thường Trực ngành Lý Luận và Phương Pháp Giảng dạy Bộ Môn tiếng Anh (PP & LLGDBMTA) từ năm 2011 cho đến nay. Công việc ở Khoa Ngoại ngữ giao cho tôi là trưởng bộ môn Biên-phiên Dịch. Đồng thời, giảng dạy các môn học cho sinh viên như “Phương pháp Nghiên cứu Khoa học,” (Research Methodology) “Viết học thuật,” (Academic Writing) “Đọc hiểu,” (Reading Comprehension) “Luyện dịch,” (Translation and Interpretation). Các môn này được giảng dạy cho cả sinh viên Khoa Ngoại ngữ và Khoa Đào tạo Đặc biệt. Đối với Học viên Cao học, tôi tham gia giảng dạy môn “Lý thuyết dạy và học,” (Theories of teaching and learning) và môn “Viết học thuật cho học viên Cao học,” (Academic writing for graduate students). Hầu hết các môn tôi tham gia giảng dạy đều được sinh viên đánh giá rất cao, đặc biệt là học viên Cao học. Học kỳ vừa rồi, tôi cũng được Khoa Ngữ Văn Anh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mời tham gia giảng dạy môn “Statistics for ELT Research” (Phương pháp thống kê cho nghiên cứu ngành giảng dạy Tiếng Anh). Tôi cũng đã hoàn thành rất tốt công việc giảng dạy được giao phó và được học viên đánh giá rất cao. Ngoài ra, là ứng viên thường trực của chương trình Cao học ngành LL & PPGD Bộ môn Tiếng Anh, tôi đóng vai trò tích cực trong việc định hướng đề tài nghiên cứu cho học viên, thực hiện các Seminars và tổ chức các Hội thảo giúp Học viên tham gia học hỏi và trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về chuyên môn. Kết quả là vào năm 2014, tôi đã có được một học viên Cao học tốt nghiệp Thủ khoa và một Học viên tốt nghiệp với giải thưởng điểm phản biện luận văn cao nhất khóa (Nguyễn Thị Thùy Dương và Vũ Thơ Mai).
Trong 16 năm tham gia giảng dạy cho Sinh viên Đại học và Sau Đại học, tôi luôn tâm niệm và rút ra một số kết luận cho mình như sau. Thứ nhất, giảng viên là người không những chỉ biết cách truyền đạt kiến thức cho người học một cách hiệu quả và có khoa học nhất, mà còn phải biết cách truyền cho người học cái tâm là người tốt, cảm hứng sâu sắc trong việc học, và làm cho người học hiểu rằng kết quả trong nỗ lực học tập của từng người hôm nay sẽ là kết quả cho tương lai của họ. Thứ hai, tôi cũng tâm niệm rằng nghề nhà giáo của mình là nghề tạo ra viễn cảnh tương lai cho đất nước. Nếu mình đào tạo ra những người giỏi, có tâm và có tầm nhìn xa, thì sau này, đất nước sẽ được xây dựng và hình thành trên những con người có tâm và có tầm nhìn rộng, biết hoạch định những chiến lược sáng suốt trong việc xây dựng nước nhà. Điều cuối cùng tôi cũng nhận ra sau nhiều năm làm nhà giáo chuyên ngành đào tạo ra các giáo viên tương lai (LL & GDBMTA) là chính mình phải là một giảng viên gương mẫu trong giảng dạy, trong cách cư xử, và trong nhân cách thì mình mới có thể đào tạo ra hàng loạt những đội ngũ giáo viên tương lai có nhân cách và biết gương mẫu trong hoạt động giáo dục.
Phần dưới đây tôi xin trình bày những kết quả cụ thể trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình trong thời gian qua.
II. Công tác Đào tạo
2.1 Nguyên tắc giảng dạy
Trong công tác giảng dạy, tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Giúp sinh viên/học viên luôn biết tìm tòi, học hỏi những điều mới mẻ qua việc tự học.
- Giúp sinh viên/học viên luôn biết tự chịu trách nhiệm về việc học hành và kiến thức của mình.
- Giúp sinh viên/học viên hiểu rằng việc học không phải chỉ đến từ người thầy mà đến từ chính mình và các bạn trong lớp.
- Giúp cho sinh viên/học viên hiểu rằng nội dung trong giáo trình giảng dạy của khóa học của mỗi môn chỉ là những kiến thức cơ bản của môn học đó, người học cần phải tự tìm tòi thêm các tài liệu trong thư viện, online để mở rộng thêm kiến thức cho chính mình.
- Giúp cho sinh viên/học viên hiểu rằng việc học có hiệu quả không phải đến một chiều từ bài giảng của giảng viên, mà còn đến từ việc thảo luận nhóm, cùng giúp nhau học hỏi và cùng tiến bộ.
- Giảng viên giúp sinh viên/học viên biết cách tự nghiên cứu trong phương pháp học tập của chính mình.
- Giảng viên phải là người biết truyền cảm hứng kiến thức về môn mình giảng dạy cho sinh viên/học viên.
- Vai trò của Giảng viên chỉ là người hướng dẫn, đánh giá, và định hướng cho người học.
- Giảng viên phải biết cập nhật kiến thức và áp dụng những phương pháp giảng dạy từ những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất trong cũng như ngoài nước.
- Giảng viên phải luôn gương mẫu cho sinh viên/học viên trong mọi hành động, cách cư xử, cũng như nhân cách.
- Việc đào tạo không phải chỉ là giáo dục về mặt trí thức, mà còn cả về mặt đạo đức cũng như nhân cách con người.
2.2 Hoạt động giảng dạy và thành tích
- Giảng dạy Đại học
Tôi phụ trách giảng dạy các môn học sau:
- Phương pháp nghiên cứu khoa học (Research methodology)
- Viết học thuật (Academic writing)
- Luyện dịch (Translation & Interpretation)
- Biên dịch Du lịch (Translation of Tourism)
- Đọc hiểu (Reading comprehension)
Mỗi năm tôi tham gia giảng dạy từ 400 đến 450 tiết cho các lớp Đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Khoa Ngoại ngữ và Khoa Đào tạo Đặc biệt. Ngoài ra, tôi còn tham gia hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu đề tài cấp trường, và ngồi hội đồng thẩm định và đánh giá kết quả nghiên cứu của sinh viên. Đồng thời, tôi cũng tích cực xây dựng chương trình đào tạo và viết sách giáo trình, trong đó có 2 giáo trình đã hoàn thành.
2. Giảng dạy Sau Đại học
Mỗi năm, tôi tham gia giảng dạy từ 75 đến 120 tiết chương trình cao học về môn “Academic Writing for Graduate Students,” “hoặc Theories of Teaching and Learning.” Đặc biệt, năm nay, 2016, tôi vừa hoàn thành công tác giảng dạy môn “Statistics for ELT research” (Phương pháp thống kê cho nghiên cứu ngành giảng dạy Tiếng Anh) tại Phòng Đào tạo Sau Đại học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM (30 tiết). Mỗi một buổi tôi giảng dạy cho học viên cao học là một buổi tôi mang lại rất nhiều kiến thức mới và hữu dụng cho học viên.
3. Hướng dẫn học viên Cao học
Cho tới nay, tôi đã hướng dẫn thành công 13 luận văn Thạc sỹ. Tất cả các luận văn được Viết và trình bày bằng tiếng Anh. Hầu hết các luận văn đều làm về các đề tài liên quan đến cách cải tiến và phát triển phương pháp giảng dạy Tiếng Anh. Hai trong số các luận văn này đã đạt Thủ khoa (01) và điểm phản biện cao nhất khóa (01).
4. Tham gia chấm phản biện ở các Hội đồng
Hàng năm, tôi tham gia nhiều Hội đồng phản biện luận văn Thạc sỹ bằng tiếng Anh, và cả các hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, và các hội đồng phản biện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của sinh viên và giảng viên. Tôi cũng tham gia các hội đồng đánh giá Giáo trình và Tài liệu học tập tại Khoa Ngoại ngữ Đại học Mở Tp. HCM, Đại học Sư phạm Tp. HCM, và Đại học Tài chính Marketing Tp. HCM. Tôi cũng thường tham gia các đề án mở ngành Giảng dạy tiếng Anh (Đại học Tài chính Marketing, Đại học Kinh tế Tp. HCM). Ngoài ra, tôi cũng tham gia thẩm định đề án mở ngành LL & PPGDBM Tiếng Anh ở Bậc Cao học gồm Đại học Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, và Đại học Trà Vinh. Tôi luôn thực hiện nhiệm vụ một cách công tâm, đứng trên lý luận Khoa học để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
5. Phản biện Luận án Tiến sỹ ở nước ngoài
Tôi đã được mời và tham gia hội đồng phản biện cho 3 luận án Tiến sỹ ở nước ngoài. Trong đó có 2 luận án Tiến sỹ của trường Đại học Monash của Australia, và một luận án Tiến sỹ của Đại học Suranaree University of Technology, Thailand, nơi tôi tham gia học chương trình Nghiên cứu sinh. Tôi cảm thất rất vinh dự được phản biện cho 2 luận án Tiến sỹ của trường Monash, Australia, vì đây là một trong những trường rất có uy tín của Úc. Niềm vinh dự thứ hai của tôi là được chính nơi Đào tạo ra mình, mời làm thành viên trong hội đồng phản biện luận án.
6. Tổ chức các Hội thảo trong nước và Quốc tế
Từ ngày về làm giảng viên ở Đại học Mở Tp. HCM, tôi đã tổ chức 05 Hội thảo chuyên môn trong nước và một Hội thảo Quốc tế.
- Hội thảo Quốc tế: Tôi đã tổ chức Hội thảo Quốc tế AsiaCALL 2012, tổ chức tại Đại học Mở Tp. HCM từ ngày 16 – 18 tháng 11 năm 2012. Đặc biệt, tôi là Chủ tịch của Hội thảo Quốc tế này.
- Hội thảo trong nước: Tôi đã tổ chức các Hội thảo chuyên môn về Giảng dạy Tiếng Anh cho các giảng viên Đại học, Cao đẳng, Trung học, và các Học viên Cao học như sau:
- TESOL Conference 2011, ngày 26 tháng 12 năm 2011
- 1st HCMC OU TESOL Conference 2012, ngày 25 tháng 8 năm 2012
- 2nd HCMC OU TESOL Conference 2013, ngày 24 tháng 8 năm 2013
- 3rd HCMC OU TESOL Conference 2015, ngày 16 tháng 5 năm 2015
- 4th HCMC OU TESOL Conference 2015, ngày 14 tháng 5 năm 2016
Các Hội thảo này thu hút rất nhiều giảng viên, giáo viên từ các trường Đại học, Cao Đẳng, Trung học, và Học viên Cao học tham gia báo cáo và tham dự. Đặc biệt, tham dự Hội thảo Quốc tế AsiaCALL năm 2012, có rất nhiều Đại biểu đến từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, India, China, Taiwan, Mỹ, Anh Quốc, Australia, Nhật, Philippines, Bangladesh, Bhutan, Indonesia, Lebanon, và Saudi Arabia. Là người chịu trách nhiệm chính trong các Hội thảo chuyên môn này, tôi luôn năng nổ, nhiệt tình và hoạt bát thực hiện tốt tất cả các công việc tổ chức của mình giúp cho các hội thảo đi đến thành công tốt đẹp. Tất cả các Hội thảo này đều được tổ chức tại Đại học Mở Tp. HCM.
7. Các hoạt động khoa học Quốc Tế
Tôi đã và đang là Phó chủ tịch (Vice President for Administrative Affairs) của Hiệp Hội Quốc tế Châu Á (AsiaCALL Organization) về nghiên cứu và sử dụng Công nghệ thông tin vào giảng dạy Tiếng Anh cho sinh viên Châu Á. Mỗi năm (từ năm 2012), tôi làm các công việc tổ chức, liên hệ với các nước trong Khu vực Châu Á để tổ chức Hội thảo Quốc tế hàng năm. Cho đến nay, công việc của tôi đã góp phần giúp tổ chức AsiaCALL tổ chức hội thảo tại Thái Lan (2013), Đài Loan (2014), và Trung Quốc (2015). Tất cả các Hội thảo tại các nước này diễn ra rất thành công.
8. Biên tập cho các tạp chí Khoa học Quốc tế
Tôi đã và đang đảm nhận công việc Biên tập (Editorial Team) cho ba Tạp chí quốc tế: (1) Tạp chí Khoa học Giảng dạy Tiếng Anh (Journal of English Language Teaching) của Tổ chức Trung tâm Khoa học và Giáo Dục của Canada (Canadian Center of Science and Education), số ISSN cho phiên bản in là 1916-4742 (Print), và phiên bản online là ISSN 1916-4750 (Online); (2) Tạp chí Khoa học Ngôn ngữ (English Linguistics Research), số ISSN cho phiên bản in là ISSN 1927-6028 (Print), và bản online là ISSN 1927-6036 (Online) của tổ chức Sciedu Press, Canada; (3) Tạp chí AsiaCALL Online Journal, số ISSN là ISSN 1936-9859. Tôi đã và đang đóng vai trò phản biện rất tích cực cho ba tạp chí Khoa học Quốc tế này.
III. Các đề tài và hướng nghiên cứu khoa học
3.1 Các đề tài nghiên cứu khoa học
Là giảng viên của cơ sở giáo dục Đại học, việc giảng dạy không thể tách rời với nghiên cứu nhằm đưa lý thuyết vào thực hành một cách có hiệu quả. Đồng thời, tìm ra những khó khăn trong phương pháp giảng dạy của từng môn học cụ thể, kể cả những khó khăn mà sinh viên gặp phải, để nghiên cứu, giúp tìm ra hướng giải quyết và nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.
Tôi đã thực hiện thành công ba (03) đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với vai trò là chủ nhiệm đề tài và có tham gia làm thành viên của một đề tài trong Đề án Ngoại ngữ Quốc Gia 2020. Đề tài thứ nhất của tôi được thực hiện ngay sau khi tôi về làm Giảng viên của Đại học Mở Tp. HCM. Chuyên đề nghiên cứu của tôi là về thực hiện các nghiên cứu hành động (Action research) về phương pháp giảng dạy Bộ môn Viết học thuật. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương pháp nghiên cứu hành động, tôi cần phải thực hiện một nghiên cứu thăm dò (Exploratory research) để “tìm hiểu các hoạt động giảng dạy môn Viết đang được thực hiện tại Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Mở Tp. HCM.” Từ đó tìm ra các điểm mạnh các giảng viên đã áp dụng giảng dạy cho sinh viên chuyên Anh ngữ. Khẳng định lại những hoạt động giảng dạy theo chiều hướng chung của các nhà nghiên cứu khác trên thế giới. Đồng thời, tìm ra những hạn chế vẫn còn tồn đọng để giải quyết bằng các cuộc nghiên cứu hành động cụ thể. Kết quả của bài nghiên cứu thứ nhất của tôi đã trở thành nền tảng Khoa học giúp tôi thực hiện hai đề tài nghiên cứu kế tiếp. Kết quả nghiệm thu của đề tài được Hội đồng đánh giá rất cao với số điểm là 90.2.
Đề tài nghiên cứu thứ hai của tôi, bắt nguồn từ kết quả của đề tài nghiên cứu thứ nhất, liên quan đến việc áp dụng phương pháp giảng dạy “Hiệu quả của việc tổ chức sinh viên viết bài luận theo nhóm” để giúp họ cải tiến chất lượng bài viết của từng cá nhân. Kết quả của bài nghiên cứu này mang lại giá trị khoa học rất cao, đi ngược lại với kết quả của một số nghiên cứu khác trên thế giới, đóng góp kiến thức khoa học vào kiến thức chung của các nhà nghiên cứu. Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất tốt với số điểm là 85.2.
Đề tài thứ ba tôi thực hiện cũng đến từ kết quả nghiên cứu của đề tài thứ nhất, “Hiệu quả của việc đào tạo học viên Cao học phương pháp tự chỉnh sửa bài viết học thuật cho nhau”, giúp nhau cùng tiến bộ. Đây là một trong những phương pháp hiện hành nhất mà các nhà nghiên cứu khác trên thế giới đang thực hiện trong lớp dạy Viết, giúp sinh viên trở nên có trách nhiệm với việc học của mình, nâng cao kỹ năng tự học bên ngoài lớp học, và giúp nhau cùng tiến bộ. Phạm vi nghiên cứu của đề tài này ở đối tượng học viên Cao học khi tôi giảng dạy môn Viết học thuật. Trong đề tài này, tôi xây dựng mô hình giảng dạy học viên Cao học Viết một cách có hiêu quả, đặc biệt là xây dựng mô hình đào tạo học viên tự góp ý chỉnh sửa bài viết cho nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, và giúp giảm tải công việc chấm bài và góp ý cho bài viết của giảng viên khi phải giảng dạy một lớp học đông học viên (45-50 HV). Kết quả của bài nghiên cứu này mang đến giá trị khoa học rất cao và được hội đồng nghiệm thu cho 90 điểm.
Tôi cũng tham gia là thành viên trong đề Án Ngoại Ngữ 2020 của Quốc Gia về việc tìm hiểu thực trạng Giảng dạy Ngoại ngữ ở các Tỉnh thành phố lớn ở Miền Trung, Nam bộ và Miền tây, do Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh phụ trách. Tôi được giao trách nhiệm đi thu thập thông tin/dữ liệu ở ba thành Phố lớn, gồm Tp. Hồ Chí Minh, Thành Phố Biên Hòa- Đồng Nai, Và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi cũng tham gia tổng kết dữ liệu, phân tích và viết bản báo cáo cuối cùng. Ngoài ra, tôi cũng tích cực trong việc tổ chức Hội thảo về đề án này (2 lần) tại Đại học Mở Tp. HCM. Sau khi phân tích, viết và hoàn thành bản báo cáo, tôi học được rất nhiều từ đề án này, và sẽ góp phần kiến thức vào việc phát triển Tiếng Anh của Quốc gia sau này.
3.2 Các bài báo Khoa học
Cho đến nay, tôi đã đăng được 20 bài báo Khoa học trên các tạp chí Quốc tế và trong nước chuyên ngành về Giảng dạy Tiếng Anh (Giáo dục). Trong 20 bài báo này, có 3 bài báo được đăng trên các tạp chí Quốc tế, trong đó có 1 bài được đăng trong tạp chí có chỉ số ISI. Các bài báo còn lại được đăng trên tạp chí Khoa học của các trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh như Đại học Sư Phạm Tp. HCM, Đại học Sài Gòn, và Đại học Mở Tp. HCM. Các hướng nghiên cứu của tôi chuyên về Giáo dục học và được chia nhỏ ra theo một số chuyên đề dưới đây.
Các chuyên đề về phương pháp giảng dạy môn Viết học thuật có hiệu quả bằng phương pháp tổ chức sinh viên viết bài theo nhóm gồm các bài như sau. (1) “Hoạt động viết theo nhóm và một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu” (2015); (2) “Hiệu Quả và Thái Độ của Sinh Viên về Phương Pháp Viết Bài Theo Nhóm” (2016); (3) “Ảnh hưởng của hoạt động viết bài theo nhóm trên kỹ năng viết của mỗi cá nhân” (2016). Những bài báo này tôi, trước tiên, đưa ra cơ sở lý luận, tìm ra các khoảng trống trong các bài nghiên cứu trước. Sau đó, đưa ra các giả thuyết để chứng minh rằng phương pháp thực hiện có hiệu nghiệm.
Các đề tài liên quan đến các chiến lược dạy và học của giảng viên và sinh viên gồm có: (4) “The employment of self-regulated strategies in writing process by English-major freshmen at HCMC Open University” (2015); (5) “Common errors in writing journals of the English-major students at HCMC Open University” (2015); (6) “Các hoạt động dạy và học môn Viết tại Khoa Ngoại ngữ Đại học Mở TP.HCM” (2013); (7) “Những hạn chế trong phương pháp dạy và học môn viết tại khoa ngoại ngữ ĐH Mở tp. HCM” (2014).
Các đề tài liên quan đến áp dụng Kỹ thuật công nghệ trong việc góp ý-chỉnh sửa bài viết, giúp sinh viên cải tiến chất lượng bài viết tốt hơn gồm có (8) “Blog-based peer response for L2 writing revision” (2015) (Bài này được đăng trong tạp chí có chỉ số ISI); (9) “Blog-based peer response for EFL writing: A Case study in Vietnam” (2009); (10) “The effectiveness of Blog-based peer response for L2 writing” (2011); (11) “The effectiveness of peer feedback on graduate Academic Writing at Ho Chi Minh City Open University” (2014); (12) “Hiệu quả của việc góp ý-chỉnh sửa bài viết cho học viên Cao học trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh” (2016).
Các chuyên đề về phương pháp giảng dạy môn Biên-phiên dịch gồm có (13) “Mô hình giảng dạy môn Biên-phiên dịch” (2016); (14) “Hiệu quả của việc nhận xét – góp ý bản dịch cho sinh viên trong môn Biên dịch” (2016); (15) “Instructional model in teaching translation and interpretation: A case study” (2015); (16) “Senior students’ reports on their translation and interpretation abilities, teaching methods, and curriculum at HCMC Open University” (2013).
Các đề tài liên quan đến áp dụng phương pháp giảng dạy tiếp cận mới (Communicative Language Teaching Approach) giúp sinh viên nâng cao kỹ năng sử dụng Tiếng Anh gồm có (17) “The effects of communicative grammar teaching on students’ achievement of grammatical knowledge and oral production” (2014); (18) “The impacts of task-based speaking activities on English-majored freshmen’s oral performance at Ba Ria-Vung Tau Teacher Training College” (2014); (19) “The effectiveness of a thesis writing seminar for graduate students at HCMC Open University” (2013); (20) “Evaluation of the course-book “Steps to conduct your research” designed and employed at the Faculty of Foreign Languages of HCMC Open University”
Nhìn chung, tất cả các bài báo khoa học này đều có giá trị Khoa học rất tốt, đóng góp vào kho tàng kiến thức của chuyên ngành Lý luận và Phương pháp Giảng dạy bộ môn; và đồng thời làm “Kim chỉ nam” cho các giảng viên và Giáo viên đang giảng dạy ở các trường Đại học, Sau Đại học, Cao đẳng và Trung học.
3.3 Biên soạn giáo trình phục vụ công tác giảng dạy
Tôi nhận ra rằng biên soạn giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của giảng viên. Viết giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục Đại học. Thứ nhất, giảng viên giảng dạy chuyên môn sẽ biết mục đích của việc đào tạo. Từ đó, giảng viên sẽ biết cách định hướng các chương mục của giáo trình, phù hợp với nội dung của việc đào tạo; đồng thời cũng thiết kế được các hoạt động và nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu của người học. Thứ hai, viết giáo trình cũng là một trong những việc kinh tế giúp giảm chi phí mua sách nước ngoài cho sinh viên. Cuối cùng, viết giáo trình là một trong những công việc chuyên nghiệp của giảng viên cũng như nhà nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu trong ngữ cảnh cụ thể của chương trình giảng dạy sẽ được xây dựng phù hợp trong việc viết giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy.
3.3.1 Giáo trình “Steps to conduct your research”
Tôi là chủ biên (duy nhất) của cuốn sách giáo trình “Steps to conduct your research- a practical guide to educational research”. Cuốn sách giáo trình này được hình thành trong ngữ cảnh sau. Trước năm 2011, môn học “Phương pháp Nghiên cứu Khoa học” được giảng dạy cho sinh viên năm 3 chuyên Ngữ văn Anh bằng tiếng Việt. Phương pháp nghiên cứu khoa học theo mỗi chuyên ngành có thể khác nhau. Do đó, khi về công tác tại Khoa Ngoại ngữ trường ĐH Mở Tp. HCM, tôi đã được cô Trưởng Khoa khuyến khích để biên soạn cuốn giáo trình này bằng tiếng Anh. Giáo trình gồm 8 chương, giảng dạy với 30 tiết (2 tín chỉ). Giáo trình được xây dựng với các hoạt động giảng dạy dựa trên các lý thuyết giảng dạy Ngôn ngữ, cùng các bài tập sau mỗi bài học giúp sinh viên có thể thực hành các lý thuyết mình vừa học để có thể hiểu sâu hơn về nội dung. Phần cuối của giáo trình là giúp sinh viên thực hành viết “dự án cuối khóa” (research project) để nộp cho giảng viên đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học. Giáo trình này đã và đang được sử dụng giảng dạy cho sinh viên năm 3 chuyên Ngôn Ngữ Anh từ năm 2011 và đã được nghiệm thu vào tháng 12 năm 2014. Giáo trình này cũng đã được đánh giá và báo cáo trên tạp chí khoa học của trường Đại học Mở Tp. HCM. Giáo trình này đóng góp phần lớn giúp sinh viên Khoa Ngoại ngữ tham gia vào các chương trình nghiên cứu cấp trường hàng năm tại Đại học Mở Tp. HCM.
3.3.2 Giáo trình “Luyện dịch 1”
Giáo trình thứ 2 tôi làm chủ biên (duy nhất) là giáo trình “Luyện dịch 1,” cũng được viết bằng tiếng Anh (45 tiết, 3 tín chỉ). Điều đặc biệt của việc ra đời cuốn giáo trình này là dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu cấp thiết cần phải đổi mới chương trình học tập cho chuyên ngành Biên-phiên dịch. Giáo trình này đã được biên soạn và thiết kế với các hoạt động giảng dạy phong phú, giúp giảng viên có định hướng rõ ràng để giảng dạy hiệu quả. Cuốn sách giáo trình này đã được giảng dạy 1 học kỳ (Học kỳ 2, năm học 2015-2016), được các giảng viên bộ môn và các sinh viên đánh giá rất cao. Ngoài đào tạo sinh viên về các kỹ năng cũng như các chiến thuật dịch thuật hiệu quả, giáo trình còn có những hoạt động phong phú như giúp sinh viên biết cách lồng tiếng của mình vào các đoạn Video clips đã được dịch để tải lên (upload) Youtube hoặc Facebook để chia sẽ kiến thức khoa học cho mọi người.
3.3.3 Sách chuyên khảo/tham khảo
Ngoài hai cuốn sách giáo trình trên, tôi cũng được xuất bản ba cuốn sách tham khảo phục vụ cho việc giảng dạy và học hỏi của các giảng viên cũng như sinh viên. Cuốn sách thứ nhất được viết bằng tiếng Anh mang tựa đề “E-peer response activities for L2 writing revision,” tạm dịch là “các hoạt động góp ý chỉnh sửa bài viết của bạn
cùng nhóm giúp chỉnh sửa bài viết bằng ngôn ngữ thứ 2 được tốt hơn.” Cuốn sách này đã được nhà xuất bản LAMBERT Academic Publishing của Đức xuất bản với số ISBN là 978-3-659-58015-4 và hiện đang được bán trên Amazon. Cuốn sách chuyên khảo/tham khảo thứ hai của tôi là “Phương pháp giảng dạy môn Viết tiếng Anh” do nhà xuất bản Kinh tế Tp. HCM ấn hành với số ISBN là 978-604-922-173-6. Cuốn sách thứ ba là “Phương pháp tổ chức lớp học Viết bài luận theo nhóm” cũng được nhà xuất bản Kinh tế Tp. HCM xuất bản với số ISBN là 978-604-922-220-7.
Cả ba cuốn sách chuyên khảo/tham khảo này đều được tôi sử dụng như tài liệu giảng dạy và tham khảo theo từng phần cho các Học viên Cao học đang học môn “Academic writing for graduate students”. Và kết quả giảng dạy luôn được các học viên đánh giá rất cao (theo phiếu đánh giá của Khoa ĐT SĐH sau mỗi môn giảng dạy).
Đối với tôi, những cuốn sách này có giá trị khoa học rất cao vì những cuốn sách này là kết tinh từ nhiều bài báo khoa học và được xuất bản trong các tạp chí Khoa học trong và ngoài nước. Những cuốn sách này hiện đang được lưu chiểu trong thư viện của Đại học Mở Tp. HCM.
IV. Những công trình tiêu biểu nhất
Hầu hết những bài báo nghiên cứu khoa học của tôi tập chung vào hai lãnh vực chính. Thứ nhất là hướng nghiên cứu về phương pháp giảng dạy môn Viết học thuật. Đây cũng là hướng nghiên cứu xuất phát từ Luận án Tiến sỹ của tôi. Thứ hai, chịu trách nhiệm là trưởng bộ môn Biên-phiên dịch, để tìm ra phương hướng giải quyết cũng như những phương pháp giảng dạy hiệu quả cho các giảng viên giảng dạy môn này cũng như để giúp đào tạo ra những sinh viên chất lượng trong chuyên ngành Biên-phiên dịch, tôi cũng thực hiện một số nghiên cứu về lãnh vực này.
4.1 Công trình tiêu biểu 1
Blog-based peer response for L2 writing revision
(Góp ý-chỉnh sửa bài viết trên blog giúp bạn cùng nhóm chỉnh sửa bài viết)
Phạm Vũ Phi Hổ và Siriluck Usaha (2015)
Vào thời điểm tôi làm nghiên cứu đề tài này, có rất ít bài báo khoa học được đăng trên các Tạp chí liên quan đến việc sử dụng Blog cá nhân (của từng sinh viên) để dạy sinh viên cách góp ý chỉnh sửa bài viết cho nhau. Đồng thời, rất ít bài nghiên cứu phân tích sâu về bản chất của các góp ý, và tỉ lệ chỉnh sửa bài viết của sinh viên sau khi nhận được góp ý của bạn cùng nhóm. Tôi đã thực hiện nghiên cứu hành động (action research) đối với 32 mẫu sinh viên năm 2 chuyên Anh Ngữ, tham gia học môn Viết học thuật tại Khoa Ngoại ngữ Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Khóa học kéo dài 15 tuần (45 tiết). Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù các góp ý chỉnh sửa có vẻ thiên nhiều về mặt nội dung so với mặt kỹ thuật sửa lỗi, tương đồng với kết quả của các nhà nghiên cứu khác trên thế giới, nhưng số lượng những góp ý có chất lượng cao thì lại không như vậy. Tuy nhiên, kết quả của bài nghiên cứu cũng cho thấy rằng tổng số lượng chỉnh sửa bài viết của sinh viên được tìm thấy thì nhiều hơn rất nhiều so với tổng số lượng góp ý từ bạn cùng nhóm. Những sai lỗi cơ bản về mặt từ vựng, cụm từ thì người viết không cần nhiều đến sự giúp đỡ của bạn cùng nhóm, nhưng những lỗi cao hơn về mặt nội dung hay cấu trúc đoạn văn thì rất cần đến sự trợ giúp của người góp ý.
Tôi đã được đăng bài báo khoa học này vào năm 2015 trên Tạp chí Quốc tế chỉ số ISI “Computer Assisted Language Learning” do nhà xuất bản Routledge (Tailor & Francis Group) xuất bản. Đây là bài báo khoa học tôi rất tâm đắc. Kết quả nghiên cứu của bài này mang giá trị khoa học rất cao vì được so sánh đối chứng với rất nhiều bài báo khoa học khác được đăng trên cáo tạp chí Khoa học có uy tín cao.
4.2 Công trình tiêu biểu 2
Hiệu quả của việc viết bài luận theo nhóm
Phạm Vũ Phi Hổ (2016)
Phương pháp tổ chức lớp học viết bài luận theo nhóm được một số lớn các nhà nghiên cứu trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, rất ít bài nghiên cứu tìm hiểu liệu phương pháp viết bài theo nhóm có ảnh hưởng trên kỹ năng viết bài của từng cá nhân hay không. Mục đích của bài nghiên cứu này để tìm hiểu về vấn đề vừa nêu trên. 62 sinh viên năm hai, gồm 27 trong lớp đối chứng và 35 trong lớp thực nghiệm tham gia vào bài nghiên cứu này. Hoạt động giảng dạy viết bài luận được thực hiện theo phương pháp viết bài theo tiến trình (Writing process) để hướng dẫn sinh viên trong hai lớp viết bài theo thể loại tranh luận (argumentative essays). Các hoạt động làm việc chung đều tương tự nhau ngoại trừ hoạt động viết bài luận: một lớp viết theo từng cá nhân, và một lớp viết theo nhóm. Kết quả phân tích từ các bài viết đầu khóa và cuối khóa cho thấy rằng phương pháp viết bài luận theo nhóm không những giúp sinh viên cải tiến về chất lượng bài viết, mà còn cả về kỹ năng viết lưu loát. Ngoài ra, sinh viên có thái độ rất tích cực về việc áp dụng phương pháp này vào lớp học Viết học thuật. Kết quả này đưa ra một minh chứng khoa học về phương pháp tổ chức hoạt động viết bài theo nhóm và đồng thời đóng góp vào kiến thức chung trong nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này.
Đây là bài nghiên cứu cấp cơ sở tại Đại học Mở Tp. HCM. Kết quả của bài nghiên cứu này đã được đăng trên (1) Tạp chí Khoa học của Đại học Sư Phạm Tp. HCM, và (2) trên Tạp chí Khoa học của Đại học Sài Gòn, Tp. HCM. Đối với tôi, kết quả nghiên cứu của đề tài này có giá trị khoa học cao vì đi sát với kết quả nghiên cứu khoa học của các tác giả khác trên thế giới về lãnh vực này, nhưng lại mang lại một kết quả rất bất ngờ. Xét về khía cạnh áp dụng trong công tác giảng dạy, đây là một trong những đề tài giúp các giảng viên và Ban quản lý Khoa nắm rõ được tình hình đang giảng dạy của các giảng viên, đồng thời có thể khẳng định kết quả trên qua số liệu khoa học.
4.3 Công trình tiêu biểu 3
The Effects of E-comments on the Academic Writing Activities for
Graduate Students at HCMC Open University
(Ảnh hưởng của việc áp dụng cách góp ý chỉnh sửa điện tử trong lớp học Viết học thuật của học viên Cao học)
Phạm Vũ Phi Hổ (2016)
Có khá nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về việc so sánh phương pháp ứng dụng hoạt động góp ý chỉnh sửa bài viết của giảng viên (GV) và bạn cùng nhóm (instructor’ and peer’s comments), tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn còn trong tranh cãi. Mục đích chính của bài viết này nhằm giới thiệu một mô hình giảng dạy môn Viết học thuật cho học viên Cao học, giúp giảng viên giảng dạy lớp học đông vẫn có thể sử dụng hoạt động góp ý chỉnh sủa bài viết cho học viên (HV) thông qua việc trình bày các e-comments mẫu (góp ý mẫu). 86 HV Cao học trong hai lớp Viết học thuật tham gia trả lời bảng câu hỏi khảo sát, và các bài viết của các nhóm được GV góp ý chỉnh sửa cũng được thu thập để phân tích. Kết quả cho thấy rằng tổng số góp ý-chỉnh sửa bài viết của bạn cùng nhóm trên các bài viết cao hơn nhiều so với tổng số góp ý của GV. Tuy nhiên, khi xét về khía cạnh chất lượng của góp ý-chỉnh sửa điện tử, thì không có sự khác biệt nào mang tính thống kê khi so sánh tổng số góp ý – chỉnh sửa của GV và HV. Phân tích sâu vào các góp ý thì thấy rằng GV thường cung cấp các góp ý có chất lượng về mặt nội dung và bố cục bài viết trong khi HV lại chú trọng nhiều về mặt sửa lỗi bài viết. Kết quả bài nghiên cứu cũng cho thấy rằng các góp ý-chỉnh sửa bài viết mẫu của GV ảnh hưởng rất nhiều trên kỹ năng góp ý của HV. HV dần dần đã chú trọng nhiều vào việc cung cấp các góp ý- chỉnh sửa có chất lượng cao trên bài viết của các bạn cùng nhóm, giúp nhau cùng học hỏi và cùng tiến bộ. Bài nghiên cứu này cũng tìm thấy rằng số lượng chỉnh sửa bài viết của người viết nhiều hơn rất nhiều so với tổng số góp ý của bạn cùng nhóm. Cuối cùng, hầu hết HV đánh giá cao hoạt động trình bày các e-comments mỗi đầu giờ của lớp học như những e-comment mẫu giúp họ nhìn lại và chỉnh sửa bài viết của mình. Đồng thời, hoạt động này cũng đóng vai trò như một trong những hoạt động chính trong phương pháp giảng dạy, giúp HV nâng cao kỹ năng góp ý chỉnh sửa bài viết cho các bạn trong nhóm của mình.
Đây là đề tài nghiên cứu cấp trường được nghiệm thu vào ngày 24/4/2016 và được hội đồng đánh giá cao với số điểm 90. Kết quả của bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học của Đại học Sài Gòn số 41 và được tôi báo cáo tại Hội thảo Khoa học của Tạp chí International Journal of Arts and Sciences được tổ chức tại ĐH Harvard ở Boston từ ngày 23-27/05/2016. Tôi đã nhận được phần thưởng Xuất Sắc (Certificate of Excellence) trong Hội Thảo về đề tài này.
4.4 Công trình tiêu biểu 4
Sách Giáo trình “Steps to conduct your research”
NXB Kinh Tế, Tp. HCM, năm 2015. ISBN: 978-604-922-234-4
Phạm Vũ Phi Hổ (2014)
Tôi đã viết cuốn sách giáo trình “Steps to conduct your research- a practical guide to educational research” vào năm 2011 để giảng dạy cho sinh viên năm 3 chuyên Ngôn Ngữ Anh. Sách được viết bằng tiếng Anh. Giáo trình gồm 8 chương, giảng dạy trong khóa học 8 tuần. Giáo trình này đã và đang được sử dụng giảng dạy cho sinh viên năm 3 (gồm 30 tiết – 2 tín chỉ) chuyên Ngôn ngữ Anh từ năm 2011 và đã được nghiệm thu vào tháng 12 năm 2014. Giáo trình này được xây dựng từ những kiến thức tôi học được khi làm nghiên cứu sinh và được chỉnh sửa nhiều lần trong suốt quá trình giảng dạy. Sách này được xem là giáo trình vì các hoạt động giảng dạy trình bày trong mỗi bài học được dựa trên các lý thuyết giảng dạy Ngôn ngữ và có cả các bài tập sau mỗi bài học giúp sinh viên có thể thực hành các lý thuyết mình vừa học để có thể hiểu sâu hơn về nội dung. Giáo trình này trước khi nghiệm thu đã được chỉnh sửa nhiều lần và được được đánh giá bởi người học, và cũng được công bố trên tạp chí khoa học của trường Đại học Mở Tp. HCM. Giáo trình này đóng góp phần lớn giúp sinh viên Khoa Ngoại ngữ tham gia vào các chương trình nghiên cứu cấp trường hàng năm tại Đại học Mở Tp. HCM.
4.5 Công trình tiêu biểu 5
Sách Giáo trình “Luyện dịch 1”
NXB Kinh Tế, Tp. HCM, năm 2016. ISBN: 978-604-922-279-5
Phạm Vũ Phi Hổ (2016)
Sách giáo trình “Luyện dịch 1” cũng được viết bằng tiếng Anh (45 tiết, 3 tín chỉ). Điều đặc biệt của việc ra đời cuốn giáo trình này là dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu cấp thiết cần phải đổi mới chương trình học tập cho chuyên ngành Biên-phiên dịch. Kết quả nghiên cứu trước của các nhà nghiên cứu khác và của tôi cho thấy rằng phương pháp giảng dạy môn Biên-phiên dịch hiện nay không đa dạng, chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của từng cá nhân của giảng viên hơn là theo một phương pháp giảng dạy có khoa học như việc giảng dạy các kỹ năng khác. Tài liệu học tập thì không cập nhật thông tin. Chương trình đào tạo không đủ để trang bị số lượng kiến thức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, tôi đã biên soạn và thiết kế một giáo trình với các hoạt động giảng dạy phong phú, giúp giảng viên có thể thực hiện công tác giảng dạy một cách có hiệu quả. Tuy đây mới chỉ là một cuốn giáo trình đầu trong loạt giáo trình khác (về chuyên ngành này) có thể sẽ ra đời, nhưng kiến thức cung cấp trong giáo trình rất cập nhật và giúp sinh viên có được lượng kiến thức khoa học mới thông qua việc học và hành kỹ năng dịch thuật.
Tuy cuốn giáo trình này mới được giảng dạy 1 học kỳ (Học kỳ 2, năm học 2015-2016), nhưng kết quả giảng dạy rất thành công, giúp sinh viên học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng dịch thuật. Cụ thể là sinh viên có thể dịch và lồng tiếng của mình vào các đoạn Video clips để tải lên (upload) Youtube hoặc Facebook. Sau khi giảng dạy 1 học kỳ, tôi đã lấy ý kiến đánh giá của giảng viên và sinh viên để cải tiến giáo trình. Hầu hết các giảng viên và sinh viên đều đánh giá rất cao sự thành công của giáo trình. Tôi đang viết báo cáo để đăng trên tạp chí khoa học.
V. Các hướng nghiên cứu sau này
Tóm lại, trong thời gian 10 năm qua làm công tác giảng dạy, tôi đã hướng dẫn 13 học viên Cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Tôi cũng đã viết và thiết kế 02 cuốn sách Giáo trình để giảng dạy chương trình Đại học, và 3 sách tham khảo cho Học viên Cao học, và các giảng viên. Đồng thời tôi cũng đã công bố 20 bài báo Khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Tôi còn tham gia các hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cho các nước Australia và Thailand. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia tổ chức các hội thảo Quốc tế và trong nước giúp các giảng viên Đại học, Cao đẳng và HV Cao học chia sẻ kiến thức khoa học. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lãnh vực giảng dạy môn Viết học thuật cho các học viên Cao học vì lãnh vực này còn đang được bỏ trống tại Khoa Đào tạo sau Đại học. Nghiên cứu của tôi sẽ đóng góp tích cực cho học viên Cao học viết tốt các luận văn Thạc sỹ. Ngoài ra, những nghiên cứu thiết thực dẫn đến những phương pháp giảng dạy hiệu quả sẽ góp phần tạo ra những giáo viên giảng dạy môn này một cách có hiệu quả tại môi trường làm việc của họ. Bên cạnh lãnh vực này, là một trưởng bộ môn Biên-phiên dịch (BPD), tôi cũng cần tiếp tục nghiên cứu về lãnh vực BPD, tìm ra những giải pháp và những phương pháp giảng dạy hữu hiệu hơn, trang bị cho sinh viên những kiến thức cập nhật và cần thiết, để giúp họ trở thành những con người của xã hội, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ước mơ cuối cùng của tôi là nghiên cứu về phương pháp dạy Viết hiệu quả cho Học sinh Phổ thông, giúp các em hấp thụ được tính sáng tạo trong từng bài viết của mình để góp phẩn hòa nhập vào Cộng đồng Quốc tế nói chung và Cộng Đồng ASEAN nói riêng.
Tp. HCM, ngày 16 tháng 5 năm 2016
Người viết
(Đã ký)
Phạm Vũ Phi Hổ