Bài viết trước (bài 1), mình đã nói một phần của việc Thành nhân trước khi thành danh. Một người được xem là thành nhân phải hội đủ một số tính cách về đạo đức, nhân văn, cũng như phải biết tự chịu trách nhiệm về bản thân mình cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng, nơi mình đang sinh sống. Bài viết số 2 này mình muốn khai thác về khía cạnh “thành danh”.
Bây giờ mình định nghĩa thế nào là thành nhân trước khi thành danh để định hướng cho loạt bài viết về chủ đề này. Trong bài viết số 1, mình định nghĩa “Thành nhân” là “trở nên một con người trọn vẹn” hay còn gọi là “nên người”.
Từ kết luận của bài viết số 1, mình suy ra một định nghĩa đầy đủ hơn. “Thành nhân” cũng có thể được định nghĩa là một người có đủ phẩm chất đạo đức, biết chịu trách nhiệm về bản thân mình, và trách nhiệm đối với cộng đồng hay xã hội.
“Thành danh” là một con người biết tự chủ bản thân, hiểu biết về con người của mình, tự tin vào khả năng của mình và biết chủ động trong việc lập nghiệp.
Sẽ có người hỏi rằng tại sao “thành danh” không định nghĩa là thành công, hay là người có danh vọng, thành đạt…? Theo một nghĩa nào đó, câu hỏi này cũng chính là câu trả lời rồi. Tuy nhiên, mình có một định nghĩa khác là vì liên quan đến ngữ cảnh slogan của Đại học Văn Hiến.
Slogan của Đại học Văn Hiến hiện nay là “thành nhân trước khi thành danh”. Như vậy xét theo khía cạnh đào tạo của chương trình Đại học, hay còn gọi là Chuẩn đầu ra, thì câu hỏi và cũng là câu trả lời vừa rồi sẽ rất khó đo lường trong một thời gian ngắn. Sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, trong kinh doanh, thì những từ như “thành công”, “thành đạt, hay “danh vọng” là dường như không thể. Còn nói là bao lâu mới có thể thì là một câu chuyện rất dài. Do đó, những từ được dùng để định nghĩa về thành danh như vừa kể trên là rất khó đo lường, và rất khó khẳng định. Vậy những từ này nên tạm thời gác lại.
Nhưng nếu gác lại những thuật ngữ vừa rồi thì làm sao có thể đo lường được sự “thành danh” đối với sinh viên trong suốt quá trình đào tạo 4 năm Đại học?
Tương lai của một con người sẽ trở nên thành danh hay không tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố cấu tạo nên con người đó, trong đó, chắc chắn phải có yếu tố “thành nhân”, có nghĩa là trở nên con người trọn vẹn”. Bởi vì một con người, nếu không thành nhân, không nên người, thì danh cũng không thể thành. vì danh, được hiểu là danh tiếng, tên tuổi. Nên liên quan rất nhiều đến khía cạnh “nên người”.
Nhưng nếu sống trên đời này mà chúng ta chỉ trở thành con người tốt thôi cũng chưa đủ, bời vì mình không thể chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho những người khác nữa, những người xung quanh mình, và cả những người thân thương của mình.
Theo một nghĩa nào đó, “thành nhân” có thể được xem là điều kiện cần, còn “thành danh” được xem là điều kiện đủ.
Vậy những yếu tố nào có thể được đo lường để phán đoán hay nhận định sự thành danh trong tương lai của một con người?
Vậy tôi xin lập lại định nghĩa của mình một lần nữa. “Thành danh” là người “thành nhân”, biết tự chủ bản thân, hiểu biết về con người của mình, tự tin vào khả năng của mình và biết chủ động trong việc lập nghiệp.
Khi một con người được đào tạo theo một định hướng tốt, biết tự chủ trong những lựa chọn của mình, tự tin vào năng lực của mình, và tự chủ động trong việc lập nghiệp, biết định hướng cho công việc tương lai của mình, sự nghiệp của mình, thì chắc chắn, con đường “thành danh” của họ sẽ thu ngắn lại rất nhiều. Và chỉ cần dựa vào những yếu tố này, chúng ta cũng có thể nhận định được tương lai của họ sẽ diễn ra như thế nào.
Vậy tới đây chúng ta đã hiểu tại sao “thành nhân” trước khi “thành danh”, đúng không?
Bài này có vẻ dài quá rồi, nên hẹn các bạn vào bài viết kế tiếp nhé.
Bài viết liên quan:
- Thành nhân trươc khi thành danh 1 – Thành nhân
- Thành nhân trước khi thành danh 2 – Thành danh
- Thành nhân trước khi thành danh 3 – Trách nhiệm
- Thành nhân trước khi thành danh 4 – Tự chủ