Nhiều người Công giáo và cả không-công-giáo vẫn hay nghĩ rằng, người không-công-giáo khi cầu nguyện, sẽ được Thiên Chúa và Mẹ Maria dễ nhận lời hơn người Công Giáo. Điều này là kết quả từ việc rất rất nhiều người không-công-giáo, khi cầu nguyện đã được Thiên Chúa và Mẹ Maria nhận lời, ban nhiều ơn lành, hoặc phép lạ chữa bệnh rất rõ ràng ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào điều này để dẫn đến quan niệm trên là chưa hợp lý.
Đối với Thiên Chúa, tất cả mọi người trên trái đất này, dù là Công-giáo hay không-công-giáo, đều là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa tạo dựng, và được Ngài yêu thương như nhau. Do đó, Thiên Chúa không hề thiên vị khi ban phép lành hay phép lạ cho người này hơn người kia. Bởi vì nếu Ngài làm như vậy, chẳng khác gì Ngài lại là một Thiên Chúa không công bằng?
Thiên Chúa luôn là Đấng tuyệt hảo và công bằng. Nếu mình lấy tổng số phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện trên người không-công-giáo, so với phép lạ Ngài làm đối với người Công giáo, thì chưa chắc bên nào hơn bên nào. Điều này mình cũng có thể thấy trong Kinh Thánh (Tân Ước). Thiên Chúa luôn làm phép lạ chữa lành bệnh tật cho con người, dù người đó là Dân Isarel hay Sammaria, có nghĩa là Công giáo hay không-công-giáo. Và Ngài luôn nói sau khi Ngài làm phép lạ chữa lành là “Đức tin của con đã chữa con”.
Suy xét về lời cầu xin của những người không công giáo, mình tìm thấy 2 điểm sau đây. Thứ nhất, những người không-công-giáo mà đến với Thiên Chúa để cầu nguyện, thì thường là họ có lòng tin nơi Ngài. Bởi vì nếu không tin tưởng nơi Ngài, thì họ sẽ chẳng bao giờ tìm đến với Ngài để cầu xin làm gì. Do đó, thường thì lòng tin của họ đã lay động lòng Thiên Chúa trong cầu xin, nên dễ được Thiên Chúa nhận lời.
Như vậy, công thức thứ nhất để Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của con người là “Đức tin” vào Thiên Chúa (Luke 17: 6) cho dù người đó là Công giáo hay không-công-giáo. Đức tin của con người vào sức mạng của Ngài sẽ làm cho Ngài cảm động. Do đó, Ngài không thể không ban ơn lành hay phép lạ cho những ai tin tưởng nơi Ngài.
Điều thứ hai khiến cho Thiên Chúa dễ nhận lời cầu xin của người không-công-giáo là vì lòng khiêm tốn của họ trong cầu nguyện. Với trạng thái là họ không phải là người công giáo, không chính thức là Con cái Thiên Chúa, do đó, khi đến cầu nguyện, họ thường tỏ lòng khiêm hạ trong cách ăn nói khi cầu nguyện. Điều này thường dễ hiểu khi lấy ví dụ này. Đứa con trong gia đình, mỗi lần cần tiền để mua cái gì đó, hay là để đóng tiền học chẳng hạn, thì đứa con mở miệng xin bố mẹ cứ như thể đó là việc bố mẹ phải làm, không làm thì lại tỏ ra giận dỗi… Cũng vậy, người Công giáo thường cầu nguyện và bắt Chúa phải làm theo ý của mình, không phải giải quyết mọi chuyện theo ý của Thiên chúa, nên khó có cảm giác là Thiên Chúa đã nhận lời.
Đối với Thiên Chúa, thái độ khiêm tốn trong cầu nguyện là cần thiết. Bởi vì nước trời chỉ dành cho những người sống trong khiêm tốn. Không một sự kiêu hãnh nào có thể hiện diện trong nước trời. Trong một đoạn Tin Mừng về việc một người không-công-giáo, là viên chỉ huy quân đội, xin Chúa Giê Su chữa lành và cứu sống cho người đầy tớ của ông. Ông tiến đến Chúa Giê Su và nói với Ngài rằng “Thưa thầy, thầy không cần vào nhà con, vì con không xứng đáng. Xin thầy cứ ra lệnh là được vì con cũng thường ra lệnh cho đầy tớ con làm hưng việc con muốn họ làm…” (Luke…) và ngay lúc đó Chúa đã chữa lành cho người đầy tớ của ông vì lời cầu xin của ông rất khiêm tốn và tràn đầy niềm tin.
Vậy là công thức thứ hai để có thể có được lời cầu nguyện có hiệu quả là “Khiêm tốn trong cầu nguyện”.
Nếu chúng ta đạt được hai thái độ này trong cầu nguyện, thì bất cứ điều gì chúng ta xin đều có thể được Chúa nhận lời. Chỉ có Đức tin và lòng khiêm tốn mới có thể thuyết phục được Thiên Chúa mà thôi.
Chúc các bạn áp dụng được công thức này trong cầu nguyện.